Tạo đột phá từ cơ cấu giống lúa mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:19, 25/10/2019
Điểm nổi bật trong công tác khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa mới, đó là Sở NN&PTNT Hà Nội vừa chọn tạo thành công 4 giống lúa: ĐS1, Vaas16, J01, J02 trong nhóm lúa Japonica sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các giống lúa này có ưu điểm vượt trội là ít sâu bệnh, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon hơn so với nhiều giống lúa khác... Ông Tạ Hồng Lý, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) chia sẻ, hợp tác xã vừa gieo cấy giống lúa Japonica J01 trên quy mô 25ha, năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha, tăng 8 tạ so với các giống lúa khác. Với giá thóc bán trên thị trường 9.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân địa phương thu lãi gần 29 triệu đồng/ha...
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, vụ xuân và vụ mùa năm 2019, đơn vị đã thực hiện sản xuất thử các giống lúa chất lượng cao, như: Kim Cương 111, Lam Sơn 10, DQ11, QR1, Lam Sơn 116... Đặc biệt, các giống lúa trong nhóm Japonica năng suất lúa bình quân đạt 60-65 tạ/ha. Hiện nay, thành phố đã mở rộng được 15 vùng trồng lúa Japonica theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại 14 xã thuộc 7 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn với diện tích 865ha... Đáng nói, sau thu hoạch đã có 4 doanh nghiệp đảm nhận bao tiêu sản phẩm lúa tươi cho nông dân với số lượng gần 400 tấn lúa Japonica trong vụ mùa 2019 vừa qua.
Đánh giá về hiệu quả của việc chọn lựa các giống lúa mới đưa vào sản xuất thực hiện chương trình lúa hàng hóa chất lượng của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hà Nội chiếm 1/5 diện tích lúa Đồng bằng sông Hồng, công tác khảo nghiệm, sản xuất các giống lúa mới, nhất là giống lúa Japonica được thành phố thực hiện bài bản mà không phải địa phương nào cũng làm được. Đặc biệt là quy trình đánh giá, tuyển chọn giống lúa được tiến hành minh bạch có sự chứng kiến của nhiều doanh nghiệp, địa phương...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chọn lựa, sản xuất giống lúa mới trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Theo bà Hoàng Thị Hòa, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa đáp ứng so với nhu cầu sản xuất. Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của một số hợp tác xã còn lúng túng, chưa kịp thời, nhất là những hợp tác xã vụ đầu, năm đầu tiên tham gia sản xuất giống lúa mới. Nguyên nhân là một số hợp tác xã còn chủ quan trong nhận thức về sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, gây khó khăn trong quá trình triển khai phát triển giống lúa mới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với mục tiêu hướng tới xuất khẩu gạo, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 20% diện tích đất trồng lúa gieo cấy bằng giống lúa Japonica... Để hoàn thành nhiệm vụ này, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hỗ trợ hình thành 50-60 vùng trồng lúa Japonica hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Cùng với đó, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo sản xuất từ giống lúa chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ để cùng tham gia kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.