Người Việt là cộng đồng dân nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 18:55, 26/10/2019
Báo cáo cho biết tính đến cuối tháng 6-2019, tổng số người nước ngoài tại Nhật Bản là 2,82 triệu người, tăng 3,6% so với thời điểm cuối tháng 12-2018 và đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong số này, người Trung Quốc là cộng đồng lớn nhất tại Nhật Bản với 786.241 người, đứng thứ hai là người Hàn Quốc với 451.543 người.
Đặc biệt, số người Việt Nam đã lên tới 371.755 người, tăng 12,4% so với báo cáo gần đây nhất và trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ ba tại Nhật Bản. Trong đó, số người Việt Nam ở Nhật Bản với tư cách "thực tập sinh kỹ năng" đang tăng mạnh, hiện có khoảng 190.000 người.
Báo cáo cũng cho biết số người nước ngoài ở Nhật Bản với tư cách "thực tập sinh kỹ năng" là 367.709 người, tăng 12% so với cuối năm 2018 và lần đầu tiên vượt qua số người có tư cách "du học" với 336.847 người. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần gia tăng số người nước ngoài tại Nhật Bản.
Trong khi đó, số người được phép cư trú lâu dài vẫn chiếm số lượng đông nhất với 783.513 người.
Kể từ tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi với việc đưa vào 14 tư cách lưu trú mới có kỹ năng đặc thù trong các lĩnh vực mà nước này đang thiếu lao động trầm trọng như hộ lý, xây dựng...
Những lao động nước ngoài nếu đầy đủ các điều kiện như đỗ kỳ thi kiểm tra chuyên môn, tiếng Nhật... sẽ có thể lao động tại Nhật Bản với thời gian lên tới 5 năm, so với trước đây là 3 năm.
Theo kế hoạch được Chính phủ Nhật Bản đề ra, trong vòng 5 năm tới, nước này sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài.
Chính sách mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài là một trong các biện pháp quan trọng mà Nhật Bản hy vọng có thể giải quyết được tình trạng già hóa dân số, thiếu lao động, giúp nước này duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, do mới được đưa vào thực hiện, chính sách này chưa có ảnh hưởng đáng kể tới việc gia tăng số người nước ngoài tại Nhật Bản.
Tính tới ngày 27-9, mới chỉ có 376 người nước ngoài được công nhận tư cách lưu trú theo chế độ thị thực mới này.