Hà Nội chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:24, 26/10/2019

(HNM) - Thời điểm này, người dân ở các huyện đang tái đàn gia súc, gia cầm để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới. Trong khi đó, thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để bảo vệ đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chú trọng công tác tiêm phòng, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, gây thiệt hại về kinh tế…

Xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) có tổng đàn lợn 30.667 con, đàn trâu bò 523 con, đàn gia cầm 601.000 con. Thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi, hiện nay, xã Lam Điền tích cực triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch. Đến nay, xã đã tổ chức tiêm phòng vắc xin cho các loại gia súc, gia cầm được 113.619 lượt con; triển khai tổng vệ sinh tiêu độc trên địa bàn xã; huy động các tổ chức đoàn thể, các thôn tham gia công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Tiêm phòng cho đàn gia cầm là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

 Ông Vũ Viết Thư ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho hay: "Gia đình tôi đang nuôi khoảng 1.000 con gà, sau khi được cán bộ thú y huyện và xã tuyên truyền, tôi đã triển khai ngay các biện pháp phòng dịch cho đàn gia cầm. Ngoài thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch cho đàn gia cầm, cán bộ thú y thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại. Nhờ vậy, đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt". 

Cũng về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Lan ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì), trang trại của gia đình bà có khoảng 3.000 con gà, do nuôi với số lượng lớn nên gia đình bà rất chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm. Không chỉ thực hiện nghiêm các đợt tiêm phòng vắc xin đại trà của huyện, trang trại còn chủ động tiêm phòng bảo đảm cho đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro thiệt hại về kinh tế…

Về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Phạm Văn Tuấn cho biết: Do chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ và bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, còn tồn tại của mầm bệnh trong môi trường cùng với thời điểm chuyển mùa... nên dịch bệnh rất dễ bùng phát. Hơn nữa, công tác giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn rải rác trong khu dân cư cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 

Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện… Qua đó, góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chăn nuôi và kinh tế hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện…

Bên cạnh đó, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương cần khuyến cáo người dân thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường sau tiêm phòng đại trà đợt 2 năm 2019 (thời gian thực hiện từ ngày 1-11 đến 1-12). Hóa chất phục vụ đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường lần này gồm: 40.000 lít Good Farm.L và 1.000kg Hankon WS...

“Các quận, huyện và thị xã cần chỉ đạo tổ chức, triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn phối hợp tốt với trạm chăn nuôi và thú y trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng và đúng quy định. Mặt khác, cần hỗ trợ kinh phí kịp thời để công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả ở mức tốt nhất”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.n

Ngọc Quỳnh