Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, thể chế pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 27/10/2019
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.
“Cảnh báo đỏ” với công tác quản lý an ninh nguồn nước
- Việc một số cá nhân đổ trộm dầu thải tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt sông Đà cung cấp cho Nhà máy Nước sông Đà vừa qua có thể nói là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn hộ dân Thủ đô; việc xử lý, giải quyết hậu quả cũng rất khó khăn, phức tạp. Theo ông, bài học rút ra từ vụ việc này là gì?
- Sự cố ô nhiễm nguồn nước ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa qua là rất đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân không chỉ đối với việc cấp nước của Nhà máy Nước sông Đà mà cả việc cấp nước của các nhà máy khai thác, sử dụng nguồn nước mặt nói chung.
Nhà máy Nước sông Đà khai thác, sử dụng nguồn nước từ dòng sông Đà và sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ trung chuyển. Mặc dù nước khai thác từ sông Đà không bị ô nhiễm, nhưng do hành vi đổ trộm dầu thải của những người vô trách nhiệm đã làm cho nước hồ Đầm Bài bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý, cũng như chất lượng nước sạch sau khi đã xử lý của đơn vị sản xuất còn bất cập, đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như chúng ta đã thấy.
Về vấn đề sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cho mục đích sinh hoạt, ngoài các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên nước thì còn có các quy định khác, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Việc quản lý chất lượng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt được Chính phủ giao Bộ Xây dựng đối với cấp nước đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với cấp nước khu vực nông thôn và Bộ Y tế thống nhất quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Bài học rút ra từ vụ việc nêu trên là cần hoàn thiện các chính sách về quản lý tài nguyên nước, hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt. Yếu tố đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để bảo vệ nguồn tài nguyên nước là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao của các bộ, ngành, các địa phương ở thượng lưu, hạ lưu các lưu vực sông và của cả cộng đồng.
Cùng với đó, cần có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và các hành vi vi phạm quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân. Đồng thời cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cũng như ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,… nhất là các nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.
- Vậy với hệ thống pháp luật hiện hành, việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn nguồn nước như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, chúng ta có đủ quy định pháp luật để xử lý những doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Cụ thể trong trường hợp này là cung cấp dịch vụ, sản phẩm nước sạch khi đã biết nước bị ô nhiễm… Các đối tượng đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cũng đã bị điều tra, khởi tố và chắc chắn sắp tới sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Song có thể nói, vụ việc đổ trộm dầu thải khiến môi trường nước sinh hoạt bị ô nhiễm vẫn là một “cảnh báo đỏ” đối với công tác quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cho sinh hoạt. Do đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xem xét các vấn đề như: Ban hành cơ chế chính sách, quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ an ninh nguồn nước; chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt.
Đồng thời, quy định rõ và quy trách nhiệm cụ thể về sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp liên quan; giữa các địa phương với nhau trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước nói chung, nước dùng cho sinh hoạt nói riêng…
Tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước
- Nhà máy sản xuất nước đặt tại tỉnh Hòa Bình, điểm ô nhiễm cũng nằm ở tỉnh Hòa Bình nhưng nơi bị ảnh hưởng lại là thành phố Hà Nội. Rõ ràng điều đó cho thấy, trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước không thể không nói đến tính liên vùng, liên quốc gia, đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương ở đầu nguồn về việc bảo vệ, gìn giữ nguồn nước. Ông có thể cho biết rõ hơn về trách nhiệm quản lý nguồn nước mặt, nước sông liên vùng của các bộ và các tỉnh, thành phố?
- Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Đồng thời, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng; giữa nước mặt và nước ngầm; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Trách nhiệm quản lý về tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố và UBND cấp huyện, cấp xã được quy định cụ thể tại Điều 70, Điều 71 của Luật Tài nguyên nước.
Ngoài ra, trong Luật Tài nguyên nước cũng quy định cụ thể các hoạt động và trách nhiệm trong điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước... Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của tổ chức lưu vực sông, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước...
- Khai thác quá mức nguồn nước ngầm gây ra nguy cơ sụt lún đất và những hệ lụy khác, do vậy nhiều đô thị lớn, trong đó có Hà Nội hướng sang khai thác nguồn nước mặt. Thế nhưng, ô nhiễm nguồn nước mặt đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, ông có thể cho biết thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai những giải pháp và yêu cầu gì để bảo vệ nguồn nước mặt?
- Ở nước ta có 108 lưu vực sông, khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình từ 830 tỷ mét khối đến 840 tỷ mét khối, trong đó, có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ ngoài biên giới; chỉ có từ 310 tỷ mét khối đến 320 tỷ mét khối được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, tiến trình đô thị hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đã làm gia tăng việc xả nước thải. Điều này đã và đang tác động tiêu cực đến nguồn nước sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước để sản xuất nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt. Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu; khu vực tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, các làng nghề…
Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.
Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát những quy định của pháp luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, các thể chế pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài nguyên nước, môi trường; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Với tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, có thể nói, bảo vệ an ninh nguồn nước là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần chung sức, chung tay bảo vệ nguồn nước cho hôm nay và cho cả mai sau.
- Trân trọng cảm ơn ông!