Chắp cánh cho nhiếp ảnh trẻ nước nhà
Văn hóa - Ngày đăng : 07:24, 27/10/2019
Gợi mở nhiều hướng sáng tác mới
Festival nhiếp ảnh dành cho các tác giả từ 18 đến 35 tuổi lần thứ 3 này, có chủ đề khá thời sự - “Việt Nam hôm nay”, lại đặc biệt hơn khi mở thêm thể loại nhiếp ảnh thể nghiệm, ý niệm, bên cạnh dòng chủ lưu - hiện thực.
Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vi Kiến Thành, với mong muốn tạo một sân chơi cho người yêu nhiếp ảnh trẻ, bổ sung đội ngũ kế cận cho nhiếp ảnh nước nhà, Bộ đã nỗ lực tổ chức festival với hình thức ngày càng mới mẻ, có chiều sâu, có những dư địa và gợi mở những chân trời sáng tác mới. Việc thêm thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm năm nay tạo cơ hội cho những tác giả trẻ thể hiện nhiều ý tưởng, tư duy độc đáo mà ảnh hiện thực không làm được.
Sau 3 tháng phát động, ảnh dự thi ở thể loại hiện thực vẫn chiếm đa số, 1.916/2.068 tác phẩm. Điều đó phản ánh đời sống nhiếp ảnh ở nước ta hiện nay, kể cả nhiếp ảnh trẻ, đa phần vẫn tập trung sáng tác ảnh hiện thực.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam Nguyễn Trọng Chính, thể loại ảnh hiện thực ở festival này có những bước tiến nhất định, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của người cầm máy. Những năm gần đây, việc sử dụng công nghệ trong nhiếp ảnh, nhất là flycam (thiết bị bay dùng để ghi hình) rất phổ biến, song tác giả Phan Thị Khánh - Huy chương vàng với bộ ảnh "Landmark 81 - Khát vọng vươn cao", đã tạo được dấu ấn khi thể hiện góc chụp trên cao về tòa tháp Landmark 81 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cả 5 bức ảnh của bộ ảnh đều là tòa tháp 81 tầng nổi bật giữa lòng thành phố, ở thời điểm ánh sáng khác nhau, như lúc hừng đông, lúc nửa đêm, hay trong sương sớm… Bộ ảnh mang “thông điệp vàng” mà nữ tác giả cho biết, cô mất hơn 2 tháng đeo đuổi, đã gợi mở nhiều điều, không chỉ về một đô thị năng động hàng đầu như thành phố Hồ Chí Minh, mà là một đất nước đang khát khao phát triển, đúng thông điệp “Việt Nam hôm nay”.
Bên cạnh đó, tác phẩm “Ba ngày đêm chiến đấu với giặc lửa” (Trần Hồ Minh Quang, Hà Nội) thể hiện sự xông xáo của tuổi trẻ trước những vấn đề lớn của cuộc sống và truyền đi thông điệp về tình quân dân…
Có thể do lần đầu tổ chức nên các tác giả còn chưa mạnh dạn, chỉ 152 tác phẩm tham gia thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm. Song qua đó, giới chuyên môn cũng phát hiện được nhiều vấn đề trong sáng tác thể loại này ở những người trẻ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn, thành viên Hội đồng nghệ thuật thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm đánh giá, một số tác giả thể hiện được kỹ thuật phơi sáng, star trail (sao chạy), milky way (dải ngân hà), chụp từ trên cao… với tạo hình, ánh sáng tốt, như bộ ảnh “Khi giọt nước mắt rừng cạn khô” đoạt Huy chương vàng của tác giả Trần Bảo Hòa (Bình Định).
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tác phẩm có ý tưởng gượng ép, xử lý màu kém, sắp đặt cầu kỳ nhưng kém duyên, vay mượn ý tưởng từ nước ngoài đưa vào thiếu thuyết phục... “Trong nhiếp ảnh ý niệm, tác giả là người tạo ra hình ảnh, thay vì nắm bắt khoảnh khắc. Họ phải chụp ảnh trong đầu và bằng kỹ thuật, khả năng sáng tạo để thể hiện ra bên ngoài”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn gợi mở.
Cần thúc đẩy sự gặp gỡ, trao đổi
Có gặt hái được thành công về mặt chất lượng, nhưng festival nhiếp ảnh trẻ năm 2019 vẫn tổ chức giống như các sự kiện nhiếp ảnh truyền thống: Phát động, chấm chọn tác phẩm, triển lãm và trao giải. Dù diễn ra trong một tuần, nhưng ngoài ngày đầu tiên có sự tham gia đông đảo của Ban Tổ chức, hội đồng nghệ thuật, tác giả, người yêu nhiếp ảnh…, thì những ngày còn lại, chỉ có công chúng đến thưởng lãm, tự xem, tự hiểu, thiếu chất “trẻ” và sự sôi nổi như kỳ vọng.
Hơn 2.000 tác phẩm của tác giả trên toàn quốc dự festival là con số khiêm tốn, ngay cả so với lần đầu tiên năm 2015 (hơn 3.000 tác phẩm), lần thứ hai năm 2017 (hơn 3.200 tác phẩm). Tuy số lượng chưa hẳn quyết định chất lượng, song rõ ràng, có càng nhiều tác phẩm dự thi, sẽ càng nhiều cơ hội để Ban Tổ chức phát hiện, lựa chọn gương mặt xuất sắc.
Nhiếp ảnh hiện nay ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, là lĩnh vực nghệ thuật cuốn hút người trẻ hàng đầu. Có rất nhiều diễn đàn dành cho người yêu nhiếp ảnh trẻ đang hoạt động sôi nổi. Không ít tác giả trong đó có ảnh thường xuyên đăng tải trên những tạp chí nhiếp ảnh danh tiếng thế giới như National Geographic, hay đoạt các giải thưởng quốc tế uy tín. Nếu thu hút được hầu hết lực lượng này đến với festival nhiếp ảnh trẻ, hẳn hoạt động sẽ thành công hơn nữa.
Theo nhà báo Nguyễn Trọng Chính, tên gọi festival nhiếp ảnh trẻ cũng phần nào xác định rõ, đây là sân chơi cho những người trẻ yêu thích nhiếp ảnh, không quá nặng tính thi thố, cạnh tranh. Đó là dịp để những người đam mê nhiếp ảnh tương tác, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm.
“Khai mạc mới là lúc bắt đầu festival với những tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề xung quanh tác giả, tác phẩm hay hoạt động nhiếp ảnh. Điều này sẽ thu hút được nhiều đối tượng tham gia và tiếp thêm niềm đam mê sáng tạo cho những người mới bước chân vào nghề”, nhà báo Nguyễn Trọng Chính đề xuất.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh ghi nhận và cho biết, những kỳ festival sau sẽ có các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thế hệ sáng tác, nhằm tạo sự trẻ trung, sôi nổi hơn.
Có một sân chơi do cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhiếp ảnh tổ chức quy củ và không kém phần cởi mở như vậy, thì chính những người đang hăm hở bước vào nghề cũng đừng nên để phí cơ hội tốt, nhằm tạo đà cho mình đến những chân trời mới.