Phát triển du lịch phải hài hòa với bảo vệ môi trường
Du lịch - Ngày đăng : 18:17, 28/10/2019
Các đại biểu dự hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 28-10 tại thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều vấn đề về phát triển du lịch ở nước ta. Câu hỏi được đặt ra là: Môi trường được bảo vệ như thế nào nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn?
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn đúng đắn, bởi đây là ngành mà Việt Nam có thế mạnh về mặt thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Còn theo ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, nếu không gỡ được nút thắt giữa phát triển và bảo tồn, sẽ cản trở du lịch Việt Nam phát triển. Nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chí về phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch nhằm minh bạch những dự án tác động đến tài nguyên thiên nhiên.
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam ể phát triển du lịch được xếp thứ 35/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29. Việt Nam có những điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới như: Hạ Long (Quảng Ninh), Bà Nà (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, đóng góp 6,8% GDP. Trong 9 tháng năm 2019, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2019, Việt Nam sẽ đón trên 17 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu toàn ngành du lịch đạt 750.000 tỷ đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là tiền đề giúp ngành du lịch phát triển đột phá. Tuy nhiên, muốn du lịch phát triển bền vững phải hài hòa với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cùng với nâng cao “đẳng cấp của ngành du lịch”.