Thành phố Hồ Chí Minh: Khởi nghiệp ngay từ trường đại học
Giáo dục - Ngày đăng : 09:01, 28/10/2019
Nhiều mô hình hay, ý tưởng sáng tạo
Bạn Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (23 tuổi, quê Phú Yên), cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, từ khi ngồi trên giảng đường đại học đã luôn ấp ủ ước mơ phát triển những ứng dụng từ nền tảng Internet kết nối vạn vật (IoT). Bằng những nỗ lực không mệt mỏi và được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Khánh cùng đồng sự đã thành lập Công ty cổ phần Công nghệ iNut (iNut JSC). Đến nay, công ty đã có 35 đại lý khắp thành phố, bán ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm thiết bị điều khiển cửa cuốn ứng dụng IoT do nhóm sáng chế.
Cũng có những khởi đầu khó khăn, nhưng với niềm đam mê khởi nghiệp trong trường đại học, bạn Dương Trần Hà Phương (24 tuổi, quê Tây Ninh) cựu sinh viên Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra đời dự án ChildHub. Dự án là ứng dụng công nghệ thông tin giúp phụ huynh có thể theo dõi hoạt động học tập của con mình tại các trường mầm non thông qua hệ thống camera được lắp trong trường, với sự hỗ trợ của Chương trình Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố). Đến nay, đã có 9 trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh đồng ý phối hợp phát triển ứng dụng ChildHub.
Thời gian tới, dự án của nhóm Hà Phương sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đếm số lượng học sinh thông qua việc nhận diện khuôn mặt. Điều này giúp giáo viên và phụ huynh kiểm soát sĩ số học sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, AI còn được dùng để phân tích thực đơn hằng ngày của bé, từ đó đưa ra được những đề xuất hợp lý giúp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua các lần tổ chức cuộc thi và trao giải ý tưởng, giải pháp về đổi mới sáng tạo, các mô hình khởi nghiệp của sinh viên tham dự ngày càng đông đảo và chất lượng. Điều này khẳng định các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang ngày càng gần gũi hơn, lan tỏa hơn trong các trường đại học.
Tạo mọi điều kiện cho người trẻ khởi nghiệp
Thời gian qua, ban giám hiệu nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các trung tâm ươm mầm sáng tạo khởi nghiệp. Những vườn ươm sáng tạo khởi nghiệp tiêu biểu là: Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa thành phố (dự án phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 1-2010); Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Nông Lâm; Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (CITT) Trường Đại học Quốc tế...
Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho biết, những năm qua, thành phố có nhiều chính sách phát triển những vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo. Đây là động lực để các vườn ươm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An, vai trò của các cơ sở là tạo điều kiện, chất xúc tác giúp doanh nghiệp khởi sự thành công. Đây cũng là công cụ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Mới đây, tại buổi gặp gỡ với hơn 200 học sinh, sinh viên tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 tại Khu đô thị Đại học Quốc gia, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong một lần nữa khẳng định, thành phố luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho học sinh, sinh viên và người trẻ khởi nghiệp sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh mang tầm khu vực. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị ưu tiên phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại các trường đại học. Đặc biệt, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách cho sinh viên, học sinh trong hoạt động khoa học, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tốt hơn.
Trên quy mô cả nước, Đề án "Đại học khởi nghiệp” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện đến năm 2025. Đề án này nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, 100% học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 100% trường đại học, 50% trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất hai ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.