Không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ
Đời sống - Ngày đăng : 17:47, 28/10/2019
Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, trước nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2015), được thực hiện ổn định trong thời gian qua, đủ điều kiện để đưa vào quy định cụ thể trong Luật này.
Việc quy định cụ thể trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm nâng cao giá trị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể được cấp hộ chiếu ngoại giao và giới hạn trường hợp đi theo, đi cùng; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ đối với tất cả viên chức và hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong quân đội, công an; quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành và rà soát diện đối tượng hiện có để quy định bảo đảm tính công bằng, hợp lý, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Cuối phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, 18 lượt đại biểu đã tham gia ý kiến, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ trong dự thảo luật; nguyên tắc quản lý xuất nhập cảnh, nghiêm cấm trong xuất nhập cảnh; việc cấp hộ chiếu gắn chip điện tử; cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh…
Bộ trưởng Tô Lâm nêu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, đa số ý kiến các đại biểu đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp.
Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương, 52 điều, quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ tám trước khi được biểu quyết thông qua tại phiên họp toàn thể ngày 22-11 tới.