Tìm giải pháp thực chất hơn cho xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 28/10/2019
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex đánh giá, đang có những dấu hiệu cho thấy thành phố Hồ Chí Minh mất dần lợi thế về hạ tầng phục vụ xuất khẩu, nhất là dịch vụ kho vận (logistics) khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa giảm đi. Hệ thống kho bãi, khu công nghiệp, cảng sông, cảng biển tại thành phố thiếu tập trung, chưa đồng bộ nên khó thu hút những tập đoàn sản xuất có quy mô hàng hóa xuất khẩu lớn.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt trên 38 tỷ USD; trong 9 tháng năm 2019 mới đạt khoảng 30,7 tỷ USD. Hiện thành phố có hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu, trong đó nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Dự kiến, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD; dệt may đạt 4,2 tỷ USD, giày dép đạt 1,9 tỷ USD… Các mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả… dự kiến cũng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh đang đến ngưỡng giới hạn, khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng nếu không có những giải pháp đột phá. Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm. Về tỷ trọng xuất khẩu của thành phố trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, những năm đầu thành phố đóng góp trên 50%, nhưng tỷ trọng này giảm dần và hiện nay đóng góp chỉ gần 16%.
Theo Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh), hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn ở mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu. Đơn cử, thành phố có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA), nhưng hiện có tới 108 sản phẩm mà RCA giảm.
Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, Tiến sĩ Đinh Công Khải cho rằng, thành phố cần nhận diện lại bức tranh chung về xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh, qua đó đánh giá lại một cách hệ thống và khoa học cho xuất khẩu; từ đó định vị lại nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu chủ lực để tập trung xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, thành phố tập trung cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…) và xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng gia tăng cao như phần mềm, sản phẩm nội dung số… Thành phố sẽ chú trọng quy hoạch và tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, biến thành phố thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu cả vùng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trưởng đúng tiềm năng, cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nghiên cứu và chính quyền. Hoạt động xuất khẩu của thành phố phải gắn với vai trò đầu tàu kinh tế, gắn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tìm ra giải pháp thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tính cạnh tranh... Để làm được điều đó, trong thời gian tới lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu trong từng lĩnh vực cụ thể để tìm ra các giải pháp thực chất hơn.