Biến thách thức thành động lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 29/10/2019
Thủy sản không chỉ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà còn gắn chặt với đời sống của gần 5 triệu ngư dân. Mặt khác, châu Âu là thị trường lớn thứ hai của thủy sản nước nhà nên việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu suy giảm; hệ lụy thị trường gia tăng như ảnh hưởng đến thị trường tiềm năng, phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nước…
Những vấn đề này đã được các bộ, ngành chức năng, địa phương có đánh bắt hải sản nhận thức sâu sắc và thời gian qua đã tích cực có những hành động cụ thể để gỡ "thẻ vàng", từng bước đáp ứng các yêu cầu của EC theo quy định. Trong đó phải kể đến việc Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU để triển khai nghiêm túc các hoạt động thực hiện khuyến cáo của EC.
Những việc cụ thể hơn là cùng với sửa đổi Luật Thủy sản, xây dựng hệ thống pháp luật với các chế tài nghiêm khắc tập trung vào tổ chức thực thi trên biển, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nâng cao trách nhiệm quản lý của các bến cảng, cơ sở hậu cần để truy xuất nguồn gốc…
Đặc biệt, việc ứng dụng các thiết bị công nghệ vào đánh bắt hải sản, giám sát hành trình; mở rộng hợp tác quốc tế đã được ngành Thủy sản cùng các địa phương và ngư dân rất chú trọng, triển khai đạt hiệu quả trong thực tế...
Thách thức vẫn đang ở phía trước, nhưng với những gì các bộ, ngành chức năng và địa phương đang thực hiện, rõ ràng việc khắc phục triệt để những khuyến cáo của EC cũng là cách bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giúp ngành Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững. Do đó, các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân cần nhìn thẳng vào những vấn đề nội tại để đổi mới mạnh mẽ hơn từ nhận thức đến hành động.
Thực tế cho thấy, không ít khuyến nghị của EC phù hợp với định hướng phát triển ngành Thủy sản của Việt Nam. Ví như việc điều tra nguồn lợi thủy sản, từ đó quy hoạch phát triển tàu cá thay vì thúc đẩy việc đóng tàu ào ạt. Hay việc thực thi đánh bắt có trách nhiệm, Việt Nam đang hướng tới giảm về số lượng tàu thuyền cũng như cơ cấu đánh bắt theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ...
Mặt khác, nguồn lợi hải sản trên vùng biển Việt Nam ngày càng suy giảm trong khi năng lực khai thác của ngư dân gia tăng nhanh chóng. Do vậy, việc cấm khai thác theo mùa sinh sản, theo khu vực ở những nơi cạn kiệt là hết sức cần thiết để khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cùng với những giải pháp tăng cường kiểm soát, giám sát hành trình tàu cá của ngư dân cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì tái cấu trúc ngành Thủy sản là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài.
Trong đó cần tuân thủ quy hoạch, xác định rõ nguồn lợi thủy sản để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng; đồng thời có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng hải sản trên biển. Đây không chỉ là giải pháp an sinh mà còn hướng tới sự phát triển lâu dài, hiệu quả của ngành Thủy sản Việt Nam…
Hãy biến thách thức thành động lực để tái cấu trúc ngành Thủy sản, đưa việc khai thác hải sản vào khuôn khổ, tạo đà phát triển, sức mạnh mới để thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.