Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 29/10/2019
Quyết liệt, khẩn trương, cầu thị
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tại phiên họp họp thứ hai diễn ra sáng 15-10 tại Hà Nội trước 4 yêu cầu của EC: Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU; đẩy mạnh công tác quản lý tàu cá; tăng cường các giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Sau 2 năm (ngày 23-10-2017) kể từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng", sản lượng hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu sụt giảm đáng kể (9 tháng năm 2019 xuất khẩu đạt 251 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước). Xác định việc tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Thủy sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, để khắc phục "thẻ vàng" theo khuyến nghị của EC về IUU, Kiên Giang đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên Giang đã ký kết hợp tác với các tỉnh có biển là Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28 bộ đội biên phòng, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản.
Đến nay, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 2.932 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm 73,4%); riêng tàu cá có chiều dài 24m trở lên đã lắp được 572 tàu (chiếm 92,5%). 100% tàu cá khi cập cảng đều được kiểm tra, thu nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải, báo cáo khai thác theo quy định....
Còn theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh này đã kiểm tra, kiểm soát tổng cộng hơn 7.000 lượt tàu ra vào cảng, thực hiện xác nhận nguồn gốc 866 bộ hồ sơ với hơn 33.000 tấn thủy sản. Việc ghi sổ nhật ký, cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng được triển khai quyết liệt với 245/2.913 tàu khai thác vùng khơi. Ngoài ra, đã có 790 tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS.
Với việc thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Nghị định 42/ 2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ địa phương tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung mới trong Luật Thủy sản 2017.
Mặt khác, hệ thống giám sát tàu cá đặt tại Tổng cục Thủy sản đã được triển khai và vận hành thí điểm từ tháng 5-2019, bảo đảm quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Từ tháng 9-2019, các địa phương ven biển, các cơ quan chức năng liên quan có thể truy cập hệ thống giám sát để khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Về thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT đã cấp được 3.054 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng đạt 38.859 tấn. Tổng cục Thủy sản đã hợp tác với 6 quốc gia để xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, các bộ, ngành và các tỉnh phải nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC về IUU, hướng nghề cá phát triển một cách bền vững.
Hành động quyết liệt hơn nữa
Gần đây nhất, tại cuộc kiểm tra và làm việc tại tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện IUU, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh ven biển phải hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp về khai thác, ngăn chặn tuyệt đối tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép hải sản tại vùng biển nước ngoài (bảo đảm giảm thiểu vi phạm trước ngày 31-10-2019, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trước ngày 31-12-2019).
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, coi trọng việc kiểm soát tàu thuyền ở vùng biển Việt Nam, tăng cường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong đánh bắt hải sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, động viên, khích lệ ngư dân không vi phạm Luật Thủy sản; kiểm soát tàu thuyền đánh bắt của địa phương; thường xuyên kiểm tra các hoạt động của cơ quan kiểm soát tàu cá...
“UBND các tỉnh, trực tiếp là chủ tịch, phó chủ tịch cần phát huy trách nhiệm, hành động quyết liệt hơn nữa, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp và lực lượng chức năng có liên quan nếu để tình trạng tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực...”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Lưu ý các cơ quan chức năng chuẩn bị thật kỹ để làm việc với Đoàn thanh tra của EC (dự kiến sang Việt Nam vào đầu tháng 11 tới) liên quan đến việc thực hiện các khuyến nghị về IUU, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh: “Về lâu dài, với mục tiêu phát triển bền vững, phải cấu trúc lại ngành Thủy sản theo hướng chuyển dần từ chủ yếu đánh bắt sang nuôi trồng biển; quy hoạch các vùng nuôi trồng hải sản, từ đó kế hoạch hóa đầu tư. Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì để có đề án tổng thể, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...”.
Để tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương với những việc làm cụ thể. Và, thực hiện triệt để khuyến nghị của EC về IUU, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng chính là giải pháp nhằm phát triển ngành Thủy sản Việt Nam một cách bền vững.