Bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 30/10/2019
Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) cần nghiên cứu kỹ những nội dung mới đề xuất nhằm bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng khi pháp lệnh mới được triển khai.
Còn nhiều bất cập
Trong những năm qua, nước ta đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách tri ân, ưu đãi người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Nhận được sự quan tâm về nhiều mặt, đa số người có công và thân nhân đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Bà Nguyễn Thị Liên, Khu tập thể Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Do bị suy giảm khả năng lao động tới 93%, nhiều năm qua, chồng tôi là thương binh Hoàng Quốc Hùng được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II, phường Biên Giang (quận Hà Đông). Các thành viên khác trong gia đình cũng được thụ hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định”.
Cùng với những kết quả đạt được, quá trình thực thi Pháp lệnh Ưu đãi người có công đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung. Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành chưa có chính sách ưu đãi đối với người bị địch bắt tù sau ngày 30-4-1975. Tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến quá hẹp, còn điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình lại quá rộng, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khi triển khai. Hơn nữa, quy trình, thủ tục xác nhận người có công với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40% thiếu chặt chẽ.
Là người trực tiếp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, những bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành đã tạo ra những “kẽ hở”, khiến một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng chính sách để trục lợi.
Hướng tới sự công bằng
Để các chính sách ưu đãi được triển khai đến đúng người, đối tượng, dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách. Nổi bật là chính sách trợ cấp hằng tháng cho người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng già yếu sống tại gia đình; trợ cấp tiền tuất hằng tháng đối với thân nhân của hai liệt sĩ trở lên. Những người hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm; diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất đặc biệt nguy hiểm… sẽ được xem xét công nhận là liệt sĩ. Sau quá trình đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, những đề xuất nêu trên nhận được đa số ý kiến đồng thuận của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và nhân dân.
Cũng tại dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi), các chính sách mới, liên quan đến đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học còn những ý kiến khác nhau. Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40% nên được hưởng trợ cấp một lần, thay vì hưởng trợ cấp hằng tháng như hiện nay. “Triển khai chính sách ưu đãi theo hướng trợ cấp một lần chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng “chạy” chế độ phơi nhiễm chất độc hóa học diễn ra ở nhiều nơi”, ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định.
Trái với quan điểm nêu trên, Đại tá Nguyễn Duy Xuất, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an) cho rằng, đối tượng tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40% đang hưởng trợ cấp hằng tháng không nhiều, hiện có hơn 20.000 người. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, việc cắt giảm trợ cấp ưu đãi với đối tượng này là không nên.
Về việc bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, một số ý kiến đề nghị chưa nên đưa đối tượng này vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công, mà tiếp tục thực hiện theo các chính sách bảo trợ xã hội. Một số ý kiến lại cho rằng, chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. “Hiện cuộc sống của không ít nạn nhân da cam và thân nhân còn khó khăn về nhiều mặt. Do đó, Pháp lệnh Ưu đãi người có công mở rộng đối tượng thụ hưởng đến thế hệ thứ ba là cần thiết, góp phần tri ân người có công, đồng thời hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội”, Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) đánh giá.
Trước những ý kiến đa chiều, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, Ban soạn thảo dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia và nhân dân về những nội dung đề xuất mới. Trên tinh thần đó, Pháp lệnh Ưu đãi người có công sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng toàn diện, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng.