Kiến nghị các giải pháp thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 14:55, 30/10/2019
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Trong 6 năm qua, Luật Thủ đô từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác bảo vệ môi trường của Thủ đô nói riêng.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Điều 14 Luật Thủ đô, từ năm 2015-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 11.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với hơn 4.000 cơ sở vi phạm.
Hà Nội cũng triển khai nhiều dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, ví dụ như: Chấp thuận đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021; đầu tư các trạm/hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề; triển khai chương trình thử nghiệm xử lý nước hồ...
Tuy vậy, việc thực hiện Luật Thủ đô và Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn một số khó khăn, như: Chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường; nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô; bộ máy quản lý nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý môi trường các cấp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý; lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành...
Trên cơ sở Luật Thủ đô và vị thế đặc biệt của Thủ đô, một số ý kiến tham luận tại hội thảo đề nghị thành phố Hà Nội xem xét, quy định một số cơ chế đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường, như: Kiện toàn bộ máy và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường; áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại Hà Nội; hạn chế một số ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm đô thị; quy định một số mức xử phạt riêng đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như đổ trộm rác thải xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại...