Sự tử tế bắt đầu từ những việc bình dị, thường ngày
Xã hội - Ngày đăng : 09:37, 31/10/2019
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo nhân dân - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc! Thực trạng buồn xoay quanh những câu chuyện về lối ứng xử thiếu tử tế được các phương tiện truyền thông đưa tin gần đây, theo bà thì nguyên nhân do đâu?
- Trước hết phải nói đến pháp luật và các quy định chế tài chưa nghiêm. Các văn bản pháp quy, chế tài còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Việc triển khai các văn bản pháp quy còn chồng chéo, thiếu tập trung, thiếu nhất quán. Sâu hơn, nguyên nhân bắt nguồn từ sự mất phương hướng về giá trị nhân bản, giá trị của cuộc sống. Cái tạo nên nhận thức về giá trị chính là niềm tin. Niềm tin vào cái tốt, vào sự tử tế. Khi niềm tin ấy bị lung lay thì sự không tử tế bắt đầu xuất hiện một cách trắng trợn, công khai. Thật đáng buồn khi nhiều lúc, nhiều nơi, người ngay phải sợ kẻ gian và sự giả dối lên ngôi. Trên đường phố hay trên xe buýt, nhìn thấy kẻ cắp, kẻ cướp phạm tội mà nhiều người không dám lên tiếng hay ra tay chặn bắt bởi họ biết mình sẽ cô độc, không đủ sức đối phó với kẻ gian. Khi sự tử tế không được ủng hộ, chung tay thì lòng tin vào lẽ công bằng bị xói mòn, con người sợ hãi không dám tử tế với nhau, chỉ bo bo cho bản thân mình.
- Sự thiếu tử tế trong lối ứng xử đang xảy ra trong xã hội hiện nay có phải vì những gương người tốt, việc tốt chưa được đề cao nhân rộng không, thưa bà?
- Đúng, đó cũng là một trong những nguyên nhân. Tôi thấy gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình có chuyên mục "Chuyện tử tế", truyền thông, báo chí thì có các cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt"... Tuy vậy, những câu chuyện còn khá đặc biệt, và khá xa với người nghe, người xem, khiến sức ảnh hưởng và tác động cũng có phần yếu đi. Dân gian vẫn có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, niềm tin chính là kết quả của sự quan sát trực tiếp kết hợp với sự suy diễn với những kinh nghiệm đã có.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải kịp thời và ngay lập tức phát hiện những "chuyện tử tế" trong cộng đồng, trong từng gia đình, từng tập thể, từ đó có sự động viên, ghi nhận xứng đáng để nhân rộng những tấm gương điển hình ấy thêm nhiều hơn nữa. Đồng thời, chúng ta cần phải có tinh thần phê phán, nghiêm khắc ngăn chặn những chuyện thiếu tử tế đang diễn ra trong xã hội. Tính kịp thời và ngay lập tức là rất cần thiết. Không nên chỉ chờ đến đánh giá thi đua, tổng kết, hay khi có phong trào thì mới tuyên truyền.
Nếu sự tử tế được nhân rộng, sẽ hạn chế được số vụ trộm cắp. Sự tử tế được nhân rộng sẽ hạn chế, ngăn chặn được lối suy nghĩ "lấy của người khác làm của mình", "lấy của chung làm của riêng", chiếm đoạt những thứ không phải là thành quả từ mồ hôi, nước mắt của mình. Và như thế sẽ không có chuyện tham ô, tham nhũng. Người tử tế ra đường sẽ biết kìm chế, nhường nhịn nhau, không chen lấn, giành đường, phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu vậy thì sẽ không còn vấn nạn mỗi ngày có hàng chục người từ giã cuộc đời vì tai nạn giao thông.
Người tử tế sẽ không bao giờ làm hại người khác để cầu lợi cho mình, vì thế sẽ không có chuyện phun hóa chất vào rau, củ, quả, cho chất tạo nạc vào vật nuôi để nhanh kiếm được nhiều tiền. Người tử tế cũng sẽ sống ngay thẳng, thật thà, không giả dối, thế nên sẽ không còn chuyện đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội và nhất là tính tham lam, ích kỷ, thói dối trá, lừa đảo và những vụ việc phạm pháp hình sự như trộm cướp, giết người và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho dân chúng sẽ dần bị hạn chế, triệt tiêu...
- Với tư cách là người từng nhiều năm đứng đầu một cơ sở đào tạo các chuyên gia giáo dục, bà đánh giá thế nào về sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nhân rộng sự tử tế trong thời gian gần đây?
- Gia đình, nhà trường và xã hội là 3 chủ thể giáo dục tác động vào việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Tùy theo lứa tuổi mà vai trò của từng chủ thể này được hoán vị cho nhau. Ví dụ, khi còn ấu thơ thì vai trò của giáo dục gia đình chiếm ưu thế, lớn hơn, sau đó là vai trò của nhà trường rồi đến xã hội. Nếu ba chủ thể này không đồng thuận về giáo dục mục đích và giá trị thì rất khó thành công trong giáo dục. Ví như cái kiềng ba chân, nếu chỉ một trong ba chân ngắn hơn thì cái kiềng đó không thể vững chắc được.
Hiện nay, không ít gia đình vì bố mẹ mải chạy theo guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại đã không làm tốt chức năng giáo dục con cái, không thành nơi có đủ sức mạnh “đề kháng”, chống lại mọi sự “ô nhiễm” từ bên ngoài, dẫn đến việc con em mình bị "lây nhiễm" những tiêu cực trong xã hội mà không ngăn chặn được ngay từ đầu. Về phía nhà trường, hiện nay, các chương trình giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ giáo dục kỹ năng sống, thậm chí sơ sài, lý thuyết suông, không tạo được dấu ấn nên chưa mang lại hiệu quả tương xứng.
Về phía xã hội, trong quá trình hội nhập mở cửa, bên cạnh những tiến bộ, thành tựu của nhân loại cũng có không ít luồng gió độc hại du nhập ồ ạt hoặc len lỏi thâm nhập vào giới trẻ, làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại, mai một dần. Các em thích thể hiện bản thân một cách thái quá, đề cao giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, không lành mạnh, xa rời chuẩn mực đạo đức dân tộc, thiếu ý thức sống tôn trọng và làm theo pháp luật...
- Theo bà làm thế nào để khơi dậy niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn còn đang hiện hữu giữa cuộc đời này, để từ đó đánh thức sự tử tế trong mỗi con người?
- Để đánh thức sự tử tế trong mỗi con người, không gì tốt hơn bằng phương pháp làm mẫu, bằng những tấm gương người thực, việc thực. Trong gia đình, cha mẹ phải làm gương cho con cái. Việc làm gương, định hướng và điều chỉnh hành vi cho con rất quan trọng. Đó chính là cơ sở để trẻ vững tin vào những chuẩn mực của sự tử tế dù có những tác động trái chiều. Trong môi trường giáo dục, thầy cô phải làm gương cho học sinh. Từng hành động, từng bài giảng, từng sẻ chia, hãy hướng học sinh vào sự tử tế.
Bên cạnh đó, xã hội cũng là môi trường góp phần làm phong phú thêm cho những điều con người học được trong gia đình và trong nhà trường. Vì thế, cần thiết phải có những sân chơi thật sự phong phú, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh, để từ đó, các em có thể thể hiện năng lực của mình, có kỹ năng sống với cộng đồng, ứng xử phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội... Ngoài ra, xã hội cũng cần lên án mạnh mẽ cái xấu, sự vô cảm, thờ ơ và ghi nhận, cổ vũ, biểu dương những hành vi tử tế, những hoạt động vì cộng đồng, từ đó sự tử tế sẽ lan tỏa...
Sự tử tế bắt đầu từ những việc rất bình dị, thường ngày, từ những lời ăn tiếng nói dành cho nhau và hiển hiện trong mọi hành động, việc làm của chúng ta, chứ không chỉ ở đâu đó rất xa xôi, có những hoàn cảnh, sự việc rất đặc biệt mới cần đến sự tử tế...
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!