Tinh gọn và hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 31/10/2019
Tại những quận, huyện triển khai thí điểm như Chương Mỹ, Hà Đông, Nam Từ Liêm... số lượng người hoạt động không chuyên trách đã giảm đáng kể. Ngân sách nhà nước được tiết kiệm. Và điều quan trọng hơn là sau khi sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, công việc ở phường, tổ dân phố... vẫn bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Có thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương là người hoạt động không chuyên trách “đông nhưng không tinh”, cồng kềnh mà vẫn kém hiệu quả. Nhiều vị trí có số giờ làm việc bình quân/tháng rất thấp, cá biệt, có những vị trí chỉ làm việc khoảng 1 giờ/tháng...
Bởi vậy, việc ban hành Đề án số 21-ĐA/TU và trước đó là kế hoạch triển khai thí điểm, vừa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, vừa triển khai trúng và đúng các chỉ đạo của Trung ương. Đó là việc thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24-4-2019, của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố”; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố về “Số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Kết quả của việc thực hiện đề án thí điểm tại 5 quận, huyện đã cho thấy, nhờ tiến hành chặt chẽ, triển khai từng bước chắc chắn, nên sau khi sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách, tình hình hoạt động của các địa phương đều ổn định và không phát sinh phức tạp. Số người được bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách có thu nhập tăng và có trách nhiệm hơn trong công việc được giao...
Đến nay, mốc thời gian hoàn thành Đề án số 21-ĐA/TU (trước ngày 31-12-2019) không còn nhiều, do vậy, rất cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song, không vì thế mà nóng vội, các địa phương cần triển khai từng bước cẩn trọng. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng việc công khai, minh bạch các phần việc liên quan; vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận ủng hộ. Đồng thời, mỗi địa phương phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; quá trình triển khai phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Cùng với đó các địa phương cần xây dựng kế hoạch đào tạo người hoạt động không chuyên trách. Trong đó nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc ở các xã, thôn, tổ dân phố để những người hoạt động kiêm nhiệm có thể rút ngắn quy trình, nâng cao hiệu quả công việc.
Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng bộ máy cơ sở. Do vậy, những người này phải không ngừng nỗ lực, học hỏi để nâng cao năng lực bản thân khi được giao kiêm nhiệm nhiều việc, từ đó làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân.
Triển khai Đề án số 21-ĐA/TU là việc lớn và khó. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, người dân, tin rằng đề án sẽ thực hiện thành công, không chỉ góp phần tinh gọn hệ thống chính trị cơ sở mà còn bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả.