Thú vị “Lễ hội người chết” ở Mexico
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 10:51, 31/10/2019
Lễ hội lâu đời bậc nhất Mexico
Năm 2018, bộ phim hoạt hình Coco đã xuất sắc đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Sức hấp dẫn của bộ phim không chỉ ở câu chuyện gia đình cảm động mà còn ở màu sắc văn hóa Mexico đậm nét. Hình ảnh cậu bé Miguel đang cầm chiếc đàn guitar nhỏ nhắn nhiều màu sắc phiêu lưu trong Vùng đất linh hồn đã mang đến cho khán giả toàn thế giới cũng như khán giả Việt một bức tranh toàn cảnh, rực rỡ và vô cùng sâu sắc về lễ hội truyền thống độc đáo của Mexico: Dia De Los Muertos.
Không rùng rợn như tên gọi của nó, "Lễ hội người chết" được tái hiện trong phim Coco có thể nói đã phản ánh khá trung thực tinh thần của lễ hội truyền thống, đó là mong muốn được đoàn tụ, được gặp lại những người thân trong gia đình của người đã khuất trong văn hóa Mexico từ xưa đến nay. Người Mexico tin rằng cái chết chỉ là một giai đoạn trong sự liên tục vô biên của cuộc đời, họ tồn tại ở một thế giới khác, trong ký ức của người ở lại và chỉ khi những người trên trần gian quên hết ký ức về họ, họ mới thực sự tan vào vũ trụ. Chính vì vậy, sau vụ thu hoạch ngô người dân Mexico tổ chức "Lễ hội người chết" với niềm tin rằng vào đêm 31-10 cánh cửa nối liền hai cõi sẽ được mở, người đã khuất có thể quay trở lại trần gian gặp người thân vào ngày 1 và 2 tháng 11.
Những người quan tâm đến văn hóa Mexico có lẽ đều biết đây là một trong số ít lễ hội có nguồn gốc rất lâu đời. Lịch sử của lễ hội này cũng trải qua nhiều thăng trầm. Vào thời kỳ Mexico là thuộc địa của Tây Ban Nha, lễ hội bị cấm bởi bị cho là một nghi lễ ma quái của người dân bản địa. Tuy nhiên, khi người Tây Ban Nha ra sức truyền đạo Công giáo, một sự pha trộn tín ngưỡng đã diễn ra, tạo thành màu sắc của "Lễ hội người chết" mà chúng ta thấy ngày nay. Lịch sử khoảng 3.000 năm của lễ hội này là minh chứng cho sự bất tử của nó và đây cũng là lễ hội nổi tiếng thế giới, mang dấu ấn văn hóa Mexico đậm đặc.
Kỳ lạ nhưng không đáng sợ
Mỗi nền văn hóa có một quan niệm riêng về cái chết và khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, người Mexico thực hiện nghi lễ đón người chết đầy màu sắc, ồn ào, giống như một lễ ăn mừng với thức ăn và âm nhạc. Trang web dayofthedead.holiday lý giải: "Phải làm gì khi ông của mình trở về từ vùng đất của người chết? Chúng tôi làm cho ông bữa ăn yêu thích, thức uống yêu thích. Chúng tôi hát, nhảy và vui mừng trước khi ông quay trở lại thế giới âm thêm một năm nữa".
Thông thường, các thành viên trong gia đình chuẩn bị cho lễ hội trước vài tuần. Họ trang trí bàn thờ, đường phố và các nghĩa trang bằng những dải giấy đục lỗ nhiều màu sắc (Papel picado). Giấy đục lỗ là nghệ thuật dân gian nổi tiếng của Mexico. Những dải giấy nhiều màu bay phấp phới tượng trưng cho những cơn gió và gợi nhắc về sự mong manh của đời người. Vào "Ngày của người chết", các gia đình sẽ quây quần trong đêm tại các nghĩa trang, thắp nến và đặt hoa, chủ yếu là cúc vạn thọ trên các ngôi mộ với niềm tin cúc vạn thọ có màu sắc rực rỡ và mùi hăng sẽ dẫn đường cho các linh hồn. Hàng trăm ngọn nến được thắp lên để vinh danh người quá cố tạo cho nghĩa trang một cảnh tượng rực rỡ. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức đồ ăn, trò chuyện vui vẻ hoặc chơi nhạc, nhảy múa... Đồ ăn phổ biến là rượu tequila, rượu mezcal - hai loại rượu truyền thống của Mexico, chocolate nóng và các loại bánh mì, kẹo có hình dạng đầu lâu...
Mexico không phải là đất nước duy nhất có phong tục này. Nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác như Columbia, Ecuador, Honduras, El Salvador, Nicaragua, Peru, Venezuela... đều có cách riêng để chào đón những người thân đã qua đời. Truyền thống và phong tục tuy khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng tín ngưỡng cơ bản vẫn giống nhau. Ngay cả ở Mexico, "Lễ hội người chết" cũng được tổ chức khác nhau ở từng khu vực. Lễ hội này có xu hướng được tổ chức công phu hơn ở miền trung và nam Mexico.
Theo báo chí Mexico thì hiện nay "Lễ hội người chết" tại thành phố Oaxaca, phía đông nam Mexico mang đậm bản sắc và nghi thức hơn bất cứ nơi nào khác ở Mexico. Còn tại Mexico City nó đã trở thành một lễ hội mang hơi hướng quốc tế. Các cuộc diễu hành rực rỡ được tổ chức với hàng ngàn người hóa trang theo phong cách La Catrina - bộ xương nữ trang điểm cầu kỳ, đội chiếc mũ lạ mắt có lông, một trong những biểu tượng mạnh mẽ và dễ nhận biết nhất trong "Lễ hội người chết".
Nếu được đến thăm Mexico vào đúng "Lễ hội người chết", du khách sẽ được hiểu sâu sắc hơn về văn hóa nơi đây bởi sự kiện này thực sự là một tập hợp các truyền thống và biểu tượng của đất nước Mexico. Năm 2008, "Lễ hội người chết" ở Mexico đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.