Những thông điệp thực trong thế giới ảo của Hiền Trang
Văn hóa - Ngày đăng : 09:56, 31/10/2019
Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa gồm 10 truyện ngắn độc lập, nhưng liên kết với nhau bởi seri vấn đề lớn của triết học: Ý nghĩa của cuộc đời, con người và tồn tại, thời gian, chân lý và cái chết.
Một câu hỏi lớn là chúng ta đang sống một cuộc đời có ý nghĩa hay không, có yêu thích thú vị, tận hưởng cuộc sống hay chỉ là những tệp lặp đi lặp lại vô nghĩa? Nhân vật “gã” trong Cô gái trên sân thượng chỉ còn biết bọc giấc mơ lại cất vào hòm khóa kín ném xuống biển và ngồi trên vách đá khóc đến tối. Trong Tấu khúc tháng sáu, nhân vật chiêm nghiệm sự vô cảm “Tại sao chúng ta cứ ngày ngày ôm lấy máy tính không rời nửa bước?”, nhận ra số mệnh những “con người hối hả của thời đại ngày nay dẫu cho vội vàng như thế chắc gì đã sống đến 100 năm”.
Cuộc đời người vô cùng hư ảo, có có, không không. Trăm năm trước chưa có ta trăm năm sau ta có cũng như không. Nỗi cô đơn xuất hiện liên tiếp trong các truyện và rất nhiều chân lý được tác giả nêu lên trong các câu thoại của Sự thật về chiếc tai bị cắt của Van Gogh, Những người thích trườn, Cửa tiệm mua trái tim hay Ký ức & giấc mơ. Thời gian xuyên không suốt dọc dài một thế kỷ được Hiền Trang nhào lộn điêu luyện, tùy theo ý tưởng, trí tưởng tượng và chủ đề. Tác giả luận về thời gian tuy lạ nhưng chính xác và có tính thuyết phục cao: “Thời gian là thứ duy nhất không bao giờ trễ hẹn; Thời gian nhiều khi quá ngắn so giữa cuộc đời và một bản nhạc; Thời gian vẫn cứ trôi xuôi mà không trôi ngược. Nhưng thời gian cũng ý tứ lặn vào nếp gấp của cuộc hiện sinh, lặn vào khe của những phím đàn đen trắng, lặn vào những thớ bánh Crepe bùi bùi, lặn xuống dưới những chiếc bèo lục bình dật dờ trên sóng nước...”.
Tác giả chia sẻ mối đe dọa về sự cạn kiệt cảm xúc giết chết tâm hồn con người thời hiện đại trong các câu chuyện của Giấc mộng đêm hè, Chuyến xe tới địa phủ. Cô cũng cho rằng con người ta luôn có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh, mặc dù nguyên do đích thực nằm ở tự thân, bởi “nếu thực sự là do áp lực cuộc sống, chắc loài người đã tuyệt chủng”.
Gạt bỏ cái cũ, tác giả đưa ra những quan niệm, những tư tưởng, tinh thần mới như thơ không nói ẩn dụ, tác phẩm nghệ thuật như một quá trình. Hiền Trang cũng bày tỏ nhận thức rằng với các độc giả khác nhau tác phẩm sẽ có những ánh xạ khác nhau và khi thưởng thức văn chương người ta không cần hiểu, chỉ cần cảm. Để nhấn mạnh ý tưởng, chủ đề, thủ pháp lặp được Hiền Trang sử dụng nhiều lần.
Ví như khi tả khoảnh khắc hạnh phúc: “Anh thả mình lềnh bềnh, cuộc đời anh chỉ vui nhất là những khi được thả mình lềnh bềnh trên nước mà thôi. Phủ tạng anh cũng lềnh bềnh, những âu lo cũng lềnh bềnh...”. Hiền Trang có lối miêu tả lạ hóa và hiện đại, nghĩa là lấy yếu tố thiên tạo so sánh với yếu tố nhân tạo như “giọng khê như kèn đồng rỉ sét trăm năm không được thổi; Mặt quắt như miếng giấy bị vò nát; ánh sáng loãng toẹt như một tô nước dùng trong suốt; Âm thanh như một vị khách lạ gõ cửa đêm đen...”.
Có lẽ tồn tại lớn nhất của tập truyện rơi vào truyện Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng do bị bao phủ bởi cái bóng của truyện ngắn Trong rừng trúc (Ryunosuke Akutagawa). Bên cạnh đó là không khí ảm đạm của mảng truyện tình. Tác phẩm gần như không có chút hài hước nào. Vì chìm sâu vào thế giới ảo, nội tâm nên tính xã hội, dân tộc, chất liệu cuộc sống còn thưa thớt nên nhiều chi tiết thiếu sức thuyết phục. Tuy nhiên, nói gì thì nói, đối diện với biển truyện ngoài hiện thực thế giới vốn đã phát triển cực thịnh thì theo tôi Hiền Trang là một cây bút đầy triển vọng, mà nếu tiếp tục đào sâu mạch thế giới ảo này ắt sẽ làm nên chuyện.