Cộng nhiều lợi ích, bớt những khó khăn

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:27, 31/10/2019

LTS: Ngày 16-9-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trước khi ban hành đề án, một số địa phương đã làm điểm, bước đầu mang lại nhiều lợi ích,  khắc phục được những khó khăn, dàn trải, hiệu quả không cao trong hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Được bố trí kiêm nhiệm, người hoạt động không chuyên trách vất vả hơn, nhưng vẫn đảm đương tốt mọi công việc. Trong ảnh: Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố 5, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thành Thái (áo xanh) tuyên truyền người dân thực hiện văn minh đô thị. Ảnh: Ngọc Hà

Bài đầu: Đòi hỏi của thực tiễn    

Việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố đã được thành phố Hà Nội chủ động triển khai bài bản, khoa học. Điều này xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và tư duy đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị theo hướng ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Từ tư duy và quyết tâm đổi mới

Dấu mốc quan trọng về chủ trương sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là Kế hoạch số 109-KH/TU, ngày 29-11-2018 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”. Trong đó, Thành ủy yêu cầu tổ chức thực hiện một số nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đặc biệt, Thành ủy cũng yêu cầu nghiên cứu mô hình kiêm nhiệm các chức danh gắn với khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố và cho phép thực hiện thí điểm tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm từ quý I-2019.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, hai địa phương khẩn trương khảo sát thực tế, xây dựng đề án. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, qua khảo sát có 71% người hoạt động không chuyên trách các phường đánh giá mô hình người hoạt động không chuyên trách còn cồng kềnh... Kết quả đánh giá ở 14 phường và 294 tổ dân phố với tổng số 3.626 người cho thấy: Nhiều vị trí hoạt động không chuyên trách ở phường có số giờ làm việc bình quân/tháng rất thấp, trong đó 13/16 vị trí chỉ làm 47 giờ/tháng. Cá biệt, có những vị trí chỉ làm việc khoảng 1 giờ/tháng. Ở tổ dân phố, số giờ làm việc của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận bình quân khoảng 81 giờ/tháng. Như vậy, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách là hoàn toàn có cơ sở... Trong khi đó, kết quả khảo sát tại huyện Gia Lâm cũng cho thấy, việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn là cần thiết.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, ngay tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thảo luận đã khẳng định sự cần thiết phải sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Mặc dù vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp tục yêu cầu mở rộng diện thí điểm nội dung này ở một số quận, huyện đặc thù khác bên cạnh quận Long Biên và huyện Gia Lâm... Thực hiện chỉ đạo này, quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm và huyện Chương Mỹ tiếp tục được thí điểm.

Qua khảo sát tại các địa phương này, cả người dân và cán bộ không chuyên trách đều ủng hộ rất cao chủ trương của Thành ủy. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, nhân dân trên địa bàn rất ủng hộ, còn cán bộ không chuyên trách thì gương mẫu thực hiện. Nhiều người chủ động xin nghỉ. Còn theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao, trong số 1.408 phiếu thăm dò ý kiến phát ra, có 70% số người được hỏi khẳng định, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách là rất cần thiết, 22% khẳng định là cần thiết... Khảo sát tại quận Hà Đông cũng cho kết quả đa số đồng tình với chủ trương của Thành ủy.

Thấy rõ nhiều ích lợi

Đề án số 21-ĐA/TU nhận được sự đồng thuận cao của người hoạt động không chuyên trách. Trong ảnh: Các cán bộ khu dân cư số 1 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân thảo luận về Đề án số 21-ĐA/TU. Ảnh: Ngọc Hà

Một thuận lợi là cùng lúc với các địa phương đang làm điểm thì ngày 24-4-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung về số lượng người hoạt động không chuyên trách, mức phụ cấp liên quan.

Cụ thể hóa nghị quyết trên, ngày 10-7-2019, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 08/2019/ NQ-HĐND về “Số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là cơ sở, điều kiện để triển khai trên toàn thành phố chủ trương sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhất là khi việc thí điểm ở 5 quận, huyện đã mang lại kết quả tích cực. Vì thế, ngày 16-9-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đề án, mỗi xã, phường, thị trấn sắp xếp, bố trí tối đa 7 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm 10 chức danh không chuyên trách ở cấp xã. Mỗi thôn, tổ dân phố sắp xếp, bố trí tối đa 2 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 3 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, căn cứ vào các quy định của Trung ương và HĐND thành phố, các quận, huyện, thị xã đã bố trí 55.300 người hoạt động không chuyên trách. Trong đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 10.422; cấp thôn, tổ dân phố là 44.878 người. Sau khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU và Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, tổng số người hoạt động không chuyên trách có thể giảm 33.583 người; kinh phí cho hoạt động này có thể giảm tới hơn 236 tỷ đồng/năm. Đây là những con số rất có giá trị, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.   

Theo Đề án số 21-ĐA/TU, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn gồm 10 chức danh: Văn phòng Đảng ủy; phụ trách công tác truyền thanh; phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự; phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh; phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; phó chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và phường, thị trấn còn sản xuất nông nghiệp); phó bí thư Đoàn Thanh niên; chủ tịch Hội Người cao tuổi; chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố gồm có 3 chức danh: Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận.

(Còn nữa)

Hiền Chi - Quốc Bình