Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP: “Vướng” khâu tiêu thụ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:38, 01/11/2019
Vì sao người dân chưa mặn mà?
Ông Lê Văn Lâm ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, trang trại của gia đình đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP với quy mô gần 4ha, trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 80 tấn cá các loại. Tuy nhiên, do chưa liên kết được với doanh nghiệp thu mua nên sản phẩm vẫn phải bán cho thương lái với giá không chênh lệch bao nhiêu so với nuôi cá truyền thống".
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hùng ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) cho rằng, nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường nước cũng như dịch bệnh… Tuy nhiên, do chi phí đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn từ 10% trở lên nên khó cạnh tranh về giá thành so với sản phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.
“Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ trong việc ghi chép nhật ký chăm sóc nên nhiều hộ dân thiếu kiên nhẫn để duy trì mô hình này…”, ông Nguyễn Duy Hùng nhìn nhận.
Về việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, theo Trưởng phòng Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha ở các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên.
Mặc dù, nuôi trồng thủy sản theo hướng này cho hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15% so với nuôi thông thường, nhưng tiêu chuẩn VietGAP có nhiều tiêu chí khó áp dụng đối với hộ nuôi nhỏ lẻ như diện tích mặt nước, nguồn nước..., cơ sở nuôi phải thường xuyên quan trắc, kiểm soát chất lượng nước và cập nhật, lưu trữ hồ sơ về các loại cá…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Hà Nội có 23.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 4.300ha nuôi tập trung. Những năm gần đây, người nuôi đã thay đổi sang phương thức thâm canh, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Tuy nhiên, các hộ dân nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP vẫn loay hoay trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là sản lượng lớn nhưng chưa có thương hiệu, dẫn đến việc sản phẩm thủy sản an toàn bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, giá cả khó cạnh tranh, khiến việc mở rộng diện tích rất khó khăn. Mặt khác, nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Nội còn nhỏ lẻ nên hệ thống ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Đẩy mạnh liên kết
Để mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, ông Nguyễn Văn Vãn ở xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) kiến nghị các ngành chức năng của thành phố tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ người nuôi trong việc quy hoạch vùng nuôi, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm thủy sản, tăng cường kết nối tiêu thụ cho sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Ở góc độ chính quyền địa phương, theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời có cơ chế hỗ trợ ban đầu giúp người dân quen dần với phương thức sản xuất mới, hiện đại để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Nhằm giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp với các huyện, hướng dẫn về kỹ thuật cho người dân trong quá trình chuyển từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang hướng VietGAP.
Mặt khác, trên cơ sở đăng ký của các hộ nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ đề xuất với cơ quan chức năng xem xét điều kiện cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm minh bạch hóa thông tin về sản phẩm trên thị trường.
Để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Về lâu dài, sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm. Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho thành phố nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn VietGAP.
Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP cần sự hỗ trợ về vốn cũng như xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định… Như vậy, người dân mới có thể yên tâm đầu tư vào mô hình này.