Huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính trị - Ngày đăng : 12:20, 01/11/2019
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá những thành tựu đã đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn vừa qua; mục tiêu của đề án; phạm vi, đối tượng của đề án; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của đề án; kinh phí thực hiện đề án...
Tránh phân tán chính sách, nguồn lực
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) bày tỏ sự phấn khởi khi lần đầu tiên Quốc hội thảo luận, ban hành nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, song đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, ở khu vực trên đang có tình trạng “bội thực” chính sách khi có 118 chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đang có hiệu lực nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Có quá nhiều chính sách dẫn đến việc chồng chéo, phân tán, trong khi nguồn vốn lại đang thiếu và nhiều nguồn vốn đang được sử dụng chưa hiệu quả.
Đại biểu Y Khút Niê (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn tồn tại “5 nhất” so với cả nước, gồm: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Cơ bản nhất trí với 11 chính sách và dự án thành phần đã nêu trong đề án, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh nội dung chính sách nào thực hiện trước, nội dung nào thực hiện sau. Bên cạnh đó, việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần được đưa về một đầu mối để điều chỉnh thống nhất, tránh phân tán, dàn trải.
Làm rõ hơn vấn đề đầu tư, đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) đề nghị cần phân định cụ thể tiêu chí vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xác định cụ thể thôn, xã đặc biệt khó khăn làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng.
“Phải xác định rõ nguồn lực được bố trí của đề án, tránh tình trạng chính sách được ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện”, đại biểu Tống Thanh Bình nói.
Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) cho rằng, kết quả giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp với nhiều nguyên nhân. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đối tượng dễ bị tổn thương nên các chính sách cần bố trí nguồn lực đồng bộ để đồng bào dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các xã bãi ngang, ven biển, hải đảo cũng là vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa được đề cập trong đề án.
Phát triển nguồn nhân lực, khai thác tiềm năng
Nêu ý kiến về việc cần tác động, kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay, đại biểu Cao Thị Giang (Đoàn Quảng Bình) cho rằng để làm được điều này thì trong các chủ trương, chính sách cần quan tâm chú trọng vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sạch và cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu. Trong hỗ trợ đầu tư cần tập trung đến hưởng lợi chung, khi điều kiện đời sống đồng bào được đáp ứng cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn để phục vụ sản xuất.
“Đồng thời phân loại đối tượng hộ nghèo nhưng không có khả năng lao động để có chính sách giúp đỡ, tài trợ; đối với đối tượng có sức lao động, sản xuất thì tạo cơ chế để họ có tiềm năng, lợi thế vươn lên, khắc phục tình trạng tài trợ trước mắt nhưng thiếu bền vững”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, cần bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan nhà nước nhằm khắc phục thực trạng tỷ lệ này đang có xu hướng giảm. Đồng thời cần đầu tư phát triển làng nghề tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm tại chỗ, tạo đầu ra cho sản phẩm, cải thiện thu nhập người dân.
“Vấn đề này phù hợp với số đông đồng bào dân tộc thiểu số ngại rời quê hương đi làm ăn xa và cũng nhằm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc từ các sản phẩm làng nghề”, đại biểu nói.
Thảo luận về đề án, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến khai thác tiềm năng của vùng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa bỏ hủ tục và tập quán lạc hậu...
Bên cạnh đó, trong việc phát triển nguồn nhân lực là người đồng bào dân tộc thiểu số, đề án cần tính đến hai chế độ đào tạo, bồi dưỡng song song là bồi dưỡng chung và bồi dưỡng dưới hình thức bổ trợ, kèm cặp riêng phù hợp với vị trí việc làm thực tế.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An) cho rằng, đề án cần phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực, làm giàu, làm chủ trên mảnh đất của mình. Trong những vấn đề này, đại biểu cho rằng phát triển hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực và tạo sinh kế, thu nhập là quan trọng bậc nhất.
Tập trung nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn
Tiếp thu, giải trình trước Quốc hội về đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của đề án, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo không được đề cập trong đề án bởi đã được điều chỉnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030, quá trình xây dựng đề án đã bám sát vào căn cứ khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
Về trọng tâm, trọng điểm của đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh sẽ ưu tiên theo hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; phát triển nâng cao nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo tồn, phát huy nền văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, về việc phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi được chia làm 3 khu vực: Khu vực 3 là các xã đặc biệt khó khăn, khu vực 2 là các xã còn một số khó khăn và khu vực 1 là các xã bước đầu phát triển. Nguồn lực đầu tư chủ yếu được dành cho khu vực 3.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia để xác định tổng mức đầu tư, phân kỳ hằng năm cho đề án.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tập trung, thẳng thắn về đề án với 27 ý kiến phát biểu tại hội trường. Cơ bản các ý kiến đã hoan nghênh công tác chuẩn bị đề án công phu để trình Quốc hội, qua đó khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, chăm sóc đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu thống nhất tên gọi là “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Quốc hội cũng nhất trí cao về việc ban hành nghị quyết của Quốc hội và giao Chính phủ thực thi điều hành đề án.