Điểm tựa của trẻ mất nguồn nuôi dưỡng
Xã hội - Ngày đăng : 07:58, 03/11/2019
Nếp nhà bình yên
Đến thăm Làng trẻ em Birla vào một ngày cuối tháng 10-2019, chúng tôi có dịp được chứng kiến, cảm nhận tình cảm gia đình ấm áp, chan chứa tình yêu thương giữa các thành viên đang sinh sống tại đây. Cuối giờ chiều, các anh, chị lớn đến Trường Mầm non Họa Mi (phường Mai Dịch) đón em nhỏ về nhà. Trong mỗi gia đình, các thành viên vừa làm việc nhà, vừa kể chuyện trường, lớp, bạn bè…
Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thanh Huyền, Giám đốc Làng trẻ em Birla cho biết, tại đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hơn 70 trẻ mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng tại cộng đồng ở nhiều độ tuổi, đến từ nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Mỗi cháu một hoàn cảnh, một tính cách, môi trường sống, giáo dục, nhưng khi đến Làng trẻ em Birla, tất cả trở thành anh, chị, em một nhà. Tại đây, các cháu được đưa về sống tại 4 gia đình: C1, C2, C3 và C4, có mẹ và các anh, chị, em. 100% trẻ được đi học, định hướng nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm; tham gia hoạt động vui chơi, giải trí...
Để có thời gian chăm sóc, dạy dỗ các con 24/24 giờ, những người mẹ của các gia đình chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng. Mẹ Lê Thị Vân của gia đình C3 không lấy chồng, không sinh con, cũng ít về quê thăm người thân. Gắn bó với các con từ năm 2007 đến nay, chị Vân nhớ rõ, hiểu rất sâu hoàn cảnh, tính cách, sở thích của từng con. “Hiện nay, cháu nhỏ nhất trong gia đình C3 là Nguyễn Hải Yến (3 tuổi), đến từ huyện Chương Mỹ. Bố đẻ của Yến đã mất, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, nên cháu rất thiếu thốn tình thân, thích được mẹ và các anh, chị bế bồng, chăm sóc. Cháu lớn nhất là Lưu Xuân Quý, đang học Đại học Thương mại. Quý luôn mong ước được giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên đã nỗ lực học tập để có cơ hội thực hiện ước mơ”, chị Lê Thị Vân chia sẻ.
Tương tự, mẹ của gia đình C1 là chị Phùng Thị Thái, C2 là chị Phùng Thị Hiên, C4 là Nghiêm Thị Lan cũng tảo tần chăm sóc cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ, coi các con như con ruột. “Niềm vui của các con là hạnh phúc của tôi, nỗi buồn của các con là niềm đau của tôi. Có những lúc, các con đi học, giao lưu với bạn bè, giao tiếp với xã hội, không thể tránh khỏi những cám dỗ. Khi đó, chúng tôi vừa là mẹ, vừa là bố để có những lời khuyên răn vừa nhẹ nhàng, tình cảm, vừa kiên định, dứt khoát, giúp các con nhận ra cái sai mà điều chỉnh”, chị Phùng Thị Hiên cho hay.
Cứ thế, mỗi bước đi, mỗi chặng đường phát triển của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống tại Làng trẻ em Birla luôn có sự đồng hành của những người mẹ hiền, của đội ngũ cán bộ, nhân viên; sự quan tâm cả về vật chất, tinh thần từ các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm và cộng đồng.
Thắp sáng những ước mơ
Nhận được sự quan tâm, chăm sóc toàn diện, những người con của Làng trẻ em Birla dần khôn lớn, dám nghĩ, dám làm. Cháu Chu Thị Hương Lan, thành viên gia đình C1, đến từ huyện Thanh Trì, đang là học sinh lớp 11 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy kể: “Năm 2012, cháu được đưa vào Làng trẻ em Birla và từ đây, cuộc sống của cháu bước sang trang mới. Từ một học sinh trung bình, cháu học tập tiến bộ. Từ một đứa trẻ ít nhận được sự quan tâm, cháu có mẹ, có anh, chị, em yêu thương nhau như ruột thịt. Cháu đang nỗ lực học văn hóa song song với học nghề để tìm việc làm khi đến tuổi trưởng thành”. Cùng được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em Birla, cùng học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy, cháu Đặng Lan Anh đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành phiên dịch viên tiếng Anh…
Trước đó, nhiều người con của Làng trẻ em Birla đã giành giải cao tại các kỳ thi, hội thi, liên hoan, hội diễn… Điển hình là cháu Nguyễn Thị Nga cùng các anh, chị, em trong gia đình giành giải Nhất cuộc thi làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam lần thứ 12, năm 2018 với tác phẩm: “Trách nhiệm bản thân với gia đình”. Cháu Nguyễn Thủy Tiên, giành giải Ba trong một cuộc thi viết truyện ngắn, có tác phẩm được in thành sách…
Làng trẻ em Birla cũng ghi nhận không ít người con đã trưởng thành, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Điển hình là chị Nguyễn Thị Hạnh, hiện là Giám đốc tổ chức PSBIV (Pearl S.Buck International Vietnam), trực thuộc tổ chức Pearl S.Buck International (PSBI) do nhà văn Mỹ Pearl S.Buck thành lập năm 1964, với mong muốn giúp đỡ những trẻ mồ côi thiệt thòi ở châu Á. Dưới sự điều hành của nữ giám đốc tài năng, giàu lòng nhân ái, PSBIV đang hợp tác với nhiều trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về nhiều mặt. Trường hợp khác là chị Nguyễn Thanh Nga, hiện là giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm Văn hóa Việt - Nhật cũng có nhiều việc làm thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, giúp đỡ những người đồng cảnh…
Trước khi rời Làng trẻ em Birla, chúng tôi được biết ngôi nhà này chuẩn bị đón 6 thành viên mới là những trẻ em trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bị mất bố hoặc mẹ. Dự kiến, số lượng trẻ vào Làng trẻ em Birla sẽ tiếp tục tăng khi các ngành, địa phương triển khai sâu rộng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố Hà Nội về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống”. Điều đó đồng nghĩa với việc, trách nhiệm của các mẹ, của đội ngũ cán bộ, nhân viên Làng trẻ em Birla với những đứa trẻ kém may mắn ngày càng tăng lên.