Nỗ lực dẹp loạn văn bằng, chứng chỉ
Giáo dục - Ngày đăng : 06:33, 03/11/2019
Lỏng lẻo trong đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ
Vào trang tìm kiếm Google, gõ cụm từ “mua chứng chỉ tin học”, chỉ trong 0,46 giây đã cho ra 165.000.000 kết quả; với cụm từ “làm văn bằng 2 kế toán”, trong 0,45 giây có 121.000.000 kết quả; còn với cụm từ “làm văn bằng 2 tiếng Anh”, thì có tới 408.000.000 kết quả trong vòng 0,52 giây... Qua đó cho thấy sự quan tâm, nhu cầu về việc này là rất lớn.
Trong vai học viên cần hoàn thiện hồ sơ xin việc, phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với một số điện thoại đăng trên mạng rao “chuyên làm chứng chỉ tiếng Anh và tin học”. Qua trao đổi, đầu dây bên kia cho biết, có thể làm được chứng chỉ tiếng Anh A1, A2, B1, B2 và chứng chỉ tin học, với mức chi phí cho mỗi loại chứng chỉ từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng. Nếu cần gấp, chỉ sau một ngày là có chứng chỉ và không phải đặt cọc.
Thực tế cho thấy, không ít cá nhân, tổ chức đã làm giả chứng chỉ, văn bằng để bán. Tháng 4-2019, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã bóc gỡ một đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ khá lớn, thu giữ khoảng 1 tấn phôi bằng, chứng chỉ và 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Đó là nạn mua bán bằng, còn nếu người học muốn trang bị cho mình văn bằng, chứng chỉ "xịn" cũng sẽ không khó để tìm được nơi có tổ chức liên kết đào tạo, cấp văn bằng 2. Những sai phạm tương tự như Trường Đại học Đông Đô (mới bị phát hiện gần đây) không phải là cá biệt. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018 có 2 đại học vùng, 50 trường đại học, học viện báo cáo có hoạt động liên kết đào tạo hoặc đào tạo ngoài trụ sở chính mà không có hoặc không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; một số trường có nhiều lớp liên kết đào tạo, dù chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện 8 cơ sở giáo dục đại học chủ trì tổ chức liên kết đào tạo chưa đúng quy định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn nói trên, trong đó có việc quá coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng, đề bạt, xét nâng lương. Còn theo Trần Khánh Nam, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, không ít người học do cần văn bằng, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, nên không quan tâm tìm hiểu xem đơn vị đó có được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ hay không. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu về văn bằng 2, bằng tốt nghiệp đại học tại chức, liên thông... Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở đào tạo đã lợi dụng việc quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo để làm ẩu, làm bừa.
Xử nghiêm sai phạm, bịt lỗ hổng quản lý
Để khắc phục tình trạng lộn xộn nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, chấn chỉnh việc đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan rà soát trên các trang mạng xã hội nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có hành vi giới thiệu mua bán, trao đổi các loại giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ (ngoại ngữ, tin học...), kể cả đối với hành vi làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31-12-2019.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, để chủ động ngăn sai phạm tương tự vụ việc Trường Đại học Đông Đô, nhiều đơn vị đã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức liên kết đào tạo, đào tạo văn bằng 2. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, nhà trường tổ chức liên kết đào tạo từ nhiều năm nay. Đặc thù của các lớp liên kết là thường học vào hai ngày cuối tuần, song không vì thế mà nhà trường lơ là việc quản lý, giám sát.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, việc quản lý quá trình đào tạo, cấp văn bằng 2 của nhà trường tuân thủ các quy định hiện hành và không có sự khác biệt so với chương trình đào tạo chính quy. Các lớp đào tạo văn bằng 2 phải học tập tại trường, không được tổ chức đào tạo ngoài trụ sở, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, giữ uy tín với người học.
Để tránh sự phân tán, nhiều đầu mối trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, bịt “kẽ hở” trong việc quản lý các phôi văn bằng sau những sai phạm của Trường Đại học Đông Đô trong việc cấp chứng chỉ và đào tạo văn bằng 2, ngày 20-9-2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định chuyển giao nhiệm vụ cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì việc quản lý văn bằng, chứng chỉ từ trước tới nay.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngoài việc tích cực phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý các vi phạm, Bộ đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định mẫu về văn bằng, chứng chỉ; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ và dán tem bảo hiểm chống giả vào các phôi văn bằng, chứng chỉ... Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh văn bằng, chứng chỉ, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn trong đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay đồng thời bảo đảm sự công bằng, lợi ích cho các cơ sở đào tạo, các học viên nghiêm túc.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt đối với vi phạm liên quan đến văn bằng, chứng chỉ”, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.