Cần quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nổi cộm
Chính trị - Ngày đăng : 13:44, 04/11/2019
“Nóng” vi phạm pháp luật về mua bán người
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nhân vụ việc 39 người tử vong trong container tại Anh, trong đó có thể có nạn nhân là người Việt Nam. Đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân của vụ việc này xuất phát từ hạn chế trong thực hiện vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, công tác quản lý còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn. Thực trạng tội phạm mua bán người, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về loại tội phạm trên vẫn còn hạn chế, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu còn lỏng lẻo, trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc để rút ra những bài học kinh nghiệm và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Chia sẻ tại hội trường về vụ việc 39 người tử vong trong xe container tại Anh, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho biết đây là sự việc xảy ra tại Anh, kết luận tội danh sẽ do cơ quan chức năng nước sở tại. Còn tại Việt Nam, đây không phải là hành vi “mua bán người” mà là hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” được quy định tại điều 349 của Bộ luật Hình sự. Hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án. Ngày 3-11 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây này.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu có sự móc nối từ trong nước đưa người ra nước ngoài thì có thể xác định đây là hành vi “buôn người” chứ không phải “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Đại biểu cũng nêu vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Công an, chính quyền địa phương có liên quan khi để những người này ra nước ngoài làm việc trái phép.
Quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy, “tín dụng đen”
Theo đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc), tình trạng “tín dụng đen”, lừa đảo qua mạng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả, bức xúc cho nhân dân, do đó cần có giải pháp đấu tranh ngăn chặn. Đồng thời khắc phục triệt để tình trạng người làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lại có những hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự như trong thời gian qua.
Cũng do “tín dụng đen” là vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự khi đã len lỏi đến tận thôn quê, vùng sâu vùng xa, đại biểu Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa về hành vi này còn yếu. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành nghiên cứu thực hiện các biện pháp phòng ngừa “tín dụng đen” bởi loại tội phạm này đang có dấu hiệu biến tướng khi lợi dụng cơ quan pháp luật để xử lý người đi vay nợ. Đồng thời cần xem xét vấn đề nở rộ hoạt động của các công ty tài chính, cơ sở cho vay.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình hình tội phạm ma túy. Trong thời gian qua những vụ án ma túy lớn bị phát hiện, xử lý đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên các vụ việc được triệt phá chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Đại biểu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến công tác phát hiện, triệt phá các vụ án về ma túy.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Đoàn Hòa Bình) nhận định, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao… Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đề xuất tiếp tục quan tâm hơn nữa cho công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật, duy trì các mô hình tự quản trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng cơ chế chính sách hợp lý, đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng trực tiếp phòng chống tội phạm…