Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 17:51, 04/11/2019
Còn hạn chế trong phòng, chống tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) băn khoăn về việc, trong các báo cáo của các cơ quan chấp pháp phòng, chống tham nhũng có nhận xét: “Năng lực chuyên môn còn hạn chế, trách nhiệm công vụ chưa cao nên còn để xảy ra sai sót trong quá trình hoạt động”. Đại biểu cho rằng, các cơ quan chấp pháp cần tìm cách chấm dứt những hạn chế đó vì sai sót dù ít, nhỏ nhưng hậu quả rất to lớn, lâu dài. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhận định, tình trạng tham nhũng vẫn còn xảy ra trong chính các cơ quan chống tham nhũng. “Tôi đồng ý với đề nghị cần đánh giá thực trạng tình hình và đưa ra giải pháp phòng, chống vấn đề nêu trên trong thời gian tới”, đại biểu nói.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) chú ý những hạn chế tồn tại do cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở và dễ bị lợi dụng nhưng chậm bị sửa đổi dù đã được đề xuất nhiều lần. Bên cạnh đó, công tác phát hiện tham nhũng trong nội bộ là khâu yếu đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử cũng chưa phản ánh đúng thực trạng.
Nêu giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chú trọng thông tin về người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, mang tính kích động, gây hoang mang; đi đôi với đó là bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời người dũng cảm đứng lên tố giác tham nhũng. Ngoài ra, theo đại biểu cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả...
Khó đạt chỉ tiêu thụ lý, xét xử vụ án
Đại biểu Đào Tú Hoa (Đoàn Hà Nội) nhận định, yêu cầu công tác đặt ra cho các tòa án là rất nặng nề. Số vụ việc thuộc thẩm quyền tòa án giải quyết tăng hằng năm, hiện gấp đôi so với năm 2012. Trong khi đó, ngành tòa án cũng đang thực hiện công tác tinh giản tối thiểu 10% biên chế đến năm 2021. Đại biểu Đào Tú Hoa đề nghị có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành tòa án. Trước mắt, đề nghị cân nhắc giao chỉ tiêu xét xử được đề cập trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong kỳ họp này.
“Bên cạnh đó, số liệu các loại vụ việc của ngành tòa án trong năm 2019 và những năm trước khó có thể là thước đo cho các năm sau, bởi đặc điểm tình hình mỗi năm khác nhau. Tôi đồng tình với ý kiến không ấn định chỉ tiêu xét xử mà giao cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao căn cứ vào đặc điểm tình hình hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Đào Tú Hoa nói.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định các loại án tòa án thụ lý trên mức tối thiểu mới được xem xét hoàn thành nhiệm vụ là chưa hợp lý. Bởi xét xử là công tác đặc thù cần dựa trên cơ sở đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không phải cứ làm việc là có thể tạo ra sản phẩm. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Tòa án nhân dân Tối cao có quy định mới khoa học, tiến bộ, sát với thực tiễn để thi đua mang ý nghĩa tích cực, tránh tồn tại tình trạng đối phó hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ, chế độ đãi ngộ tiền lương phù hợp cho những người tiến hành tố tụng, tạo điều kiện cho tòa án và các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả.
Theo đại biểu Phạm Hồng Phong (Đoàn Hậu Giang), chỉ tiêu thụ lý án giao cho tòa án khó có thể đạt được, chỉ căn cứ tỷ lệ xét xử trong 3 năm gần đây mà không xem xét toàn diện là chưa thấu tình đạt lý. Đại biểu mong Quốc hội xem xét lại các chỉ tiêu giao cho tòa án thực hiện để có tính khả thi hơn trong quá trình thực hiện.