Trên cái nền của sự trải nghiệm...
Văn hóa - Ngày đăng : 17:01, 06/11/2019
Trong Vượt được mình là Phật, nhà thơ chống lại sự làm đỏm, sự ngoa ngôn, sự sành điệu để trở về với bản thể vốn có. Ấy là hồn nhiên, trong sáng và trung thực đến tận cùng. Ấy cũng là vẻ đẹp mà đời sống thường hằng phải hướng tới, vươn tới, tạo nên những giá trị đích thực. Và trên cái nền của sự trải nghiệm, nhà thơ nhìn rất sâu vào bản chất của cuộc sống với tâm thế của một người ưa phát hiện.
Không phải bất kỳ một người làm tượng gỗ nào cũng nghĩ được và viết được những câu thơ sau qua Hai phía: “Những đấng bậc thoát thai từ ruột gỗ/ Những mắt long, mắt ly, mắt quy, mắt phượng/ Tôi nhìn/ Tôi thấy…/ Những mắt long, mắt ly, mắt quy, mắt phượng/ Nhìn tôi/ Thấy tôi”... Đấy là phát hiện thứ nhất. Không phải bất kỳ một người nào cũng nhận ra sự đổi khác của hồ Thiền Quang trong con mắt đương đại qua Le le bay qua hồ Thiền Quang: “Chẳng còn ngày xưa đâu/ Cùng cốc cùng cò mò cua bắt ốc/ Đến rong rêu trong hồ cũng đã là rong rêu khác/ Đến cỏ ven hồ cũng đã là cỏ khác/ Le le bay qua hồ Thiền Quang”... Đấy là phát hiện thứ hai. Dường như ẩn tàng trong Le le bay qua hồ Thiền Quang là một đời sống xã hội ngày một xa rời sự lãng mạn với nhiều vất vả thường nhật, dẫn đến sự mất cân bằng đâu đó, mang dấu ấn thời cuộc rất rõ: “Mây ở trên cao nhưng ai ngắm nhìn/ Thương trẻ ngày ngày oằn vai cặp sách/ Thương già ngày ngày vỉa hè rát mặt/ Thị với thành chật cứng lo toan...”.
Cũng có lúc Trương Trung Phát rất gần với tinh thần của Trang Tử. Hốt nhiên, Trương Trung Phát nhớ đến đồng đội một thời với ông đã hy sinh ở Trường Sơn. Ông nghĩ đến những hồn lính trẻ thiêng liêng “thuở nhặt những hạt nắng, hạt mưa, hạt ấm, hạt no về đồng về bãi” mà “gieo lên bao mùa vàng” rồi cùng ông “run rẩy hỏi mình là người hay chim sẻ đây?”.
Theo tôi, những Hai phía, Le le bay qua hồ Thiền Quang, Ta là người hay chim sẻ đây? là những tứ thơ lạ, đáng suy ngẫm.
Trong khi ấy, Hàng Buồm dạ khúc lại có cái tình thật sâu và thật da diết. Trước hết, ông tiếc cho những gì đã mất tự trong đáy lòng, từ một cái tiệm ăn đến cả một con phố: “Em đâu rồi Mỹ Kinh/ Phố đâu còn nguyên phố/ Thấp cao tân lẫn cổ/ Hàng còn mà không Buồm” và lòng những muốn hoàn nguyên cái đã qua: “Ước gì trong khói sương/ Còn một câu chuyện cổ/ Còn một dòng sông cũ/ Có bóng dáng con thuyền/ Mỹ Kinh đâu rồi, em?”.
Tôi cũng đã đọc không chỉ một lần Lẽ nào chỉ mực. Bài thơ viết thật giản dị mà vẫn sâu sắc, vẫn đáng nhớ, cho thấy nỗi buồn khó hình dung khi trống vắng người mình yêu. Bài thơ được viết như không mà vẫn gợi nhiều ngẫm ngợi vừa gần gũi, vừa xa xôi về sự trống vắng và mong manh của tình yêu: “Đã tối như mực/ Lại còn mưa dầm/ Nhớ nhau… anh tới/ Em không có nhà/ Hỏi mẹ, hỏi cha/ Cả hai đều lắc/ Lẽ nào chỉ mực/ Vẫy đuôi hít mừng?”.
Trong Vượt được mình là Phật, Trương Trung Phát có hai cặp lục bát đáng được đánh dấu khuyên vào đó. Cặp thứ nhất được làm mới từ một câu thơ của Nguyễn Du và hai câu thơ của Cao Bá Quát: “Cách hoa là một tiếng cười/ Trên đỉnh núi thêm một người là ta” (Vấn Tây Hồ). Cặp thứ hai nói về cõi người và sự chấp nhận làm người thật thấm thía, bản lĩnh: “Rồi ngày lại phải giống ngày/ Giang tay mà đỡ rủi may phận người” (Con xin…).
Sau chót, xin nói thêm: Riêng tên của tập thơ cũng đã khác biệt và ấn tượng. Có lẽ Trương Trung Phát thấm nhuần lời dạy của nhà Phật: “Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình” và “nói cho cùng thì tâm ai cũng có Phật”, vì thế ông mới đặt tên đứa con tinh thần mới nhất của ông là: Vượt được mình là (tinh thần) Phật.
Nhà thơ Trương Trung Phát là bộ đội tại ngũ thời kỳ chống Mỹ. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã làm thơ và có thơ đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải nhất Cuộc thi thơ 2017 - 2018 do Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm tổ chức.