Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận sự chủ quan trong đánh giá năng lực triển khai các dự án đầu tư điện mặt trời
Kinh tế - Ngày đăng : 18:27, 06/11/2019
Đây là một nội dung nằm trong các nhóm vấn đề mà Bộ trưởng trả lời, gồm: Quản lý, điều tiết điện lực; thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; xúc tiến thương mại, quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…
Có sự chủ quan khi đánh giá về điện mặt trời
Các đại biểu: Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai), Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang), Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình) đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề điện mặt trời: Việc quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi công suất quy hoạch điện mặt trời 850MW cho năm 2020 và 1.200MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ với công suất hiện tại lên tới 7.200MW, vượt 9 lần so với quy hoạch? Không những thế, công suất sẽ còn tăng thêm 2.086MW trong giai đoạn 2020-2030 và hiện nay, 121 dự án đã được cấp phép, 210 dự án đang chờ phê duyệt, trong khi mức giá khai thác còn quá cao. Việc thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, lãng phí năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, quy hoạch tổng sơ đồ 7 (quy hoạch điện VII) được phê chuẩn vào năm 2016 đã chưa dự tính đến sự phát triển của điện tái tạo. Các công nghệ và điều kiện phát triển điện mặt trời khi đó chưa phổ biến, chưa tạo sự đột biến trong phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam và khu vực.
Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có quy định giá mua điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Khi ban hành Quyết định 11, Việt Nam cũng đối mặt nguy cơ thiếu điện lớn trong các năm 2019-2020, nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Tính đến tháng 6-2019, khoảng 4.900 MW điện mặt trời đã được đưa vào vận hành, góp phần bổ sung rất lớn vào nguồn điện năm 2019.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, có sự không đồng bộ giữa phát triển hạ tầng truyền tải điện và các trạm biến áp để đảm bảo giải tỏa hết công suất. Khi thực hiện cấp phép đầu tư sản xuất điện mặt trời, còn có sự chủ quan trong đánh giá về năng lực triển khai các dự án đầu tư. Trong thời gian ngắn, sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời đã dẫn tới việc có khoảng 4.900 MW điện mặt trời được vận hành tới cuối tháng 6-2019.
“Thời gian qua, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát, dự báo kịp thời để có đối sách và biện pháp quyết liệt, nhất là về phát triển hệ thống truyền tải điện”, người đứng đầu ngành Công Thương nói.
Nhiều nơi vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về phát triển nguồn điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, việc phát triển nguồn điện đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2019-2020, khả năng không có điện dự phòng ở khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn. Nguyên nhân là do tính bất lợi của thời tiết, các hồ thủy lợi không có đủ điều kiện tích nước, sự suy giảm nguồn năng lượng sơ cấp như than, khí…
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải quyết liệt các biện pháp rà soát, nâng cao việc phát triển điện lưới. Các giải pháp được đưa ra gồm: Tiếp tục nghiên cứu trình cơ chế mới về giá điện; bổ sung điện mặt trời, điện gió cho các địa phương có nguy cơ thiếu điện.
Về phương án đảm bảo cân đối điện, Bộ trưởng cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời.
Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW.
Không chậm trễ trong việc ngăn ngừa hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam
Đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn) và đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang nước khác chậm được xử lý, dù đã được cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa đang tạo lợi thế để Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, nhưng cũng làm xuất hiện sản phẩm “đội lốt” xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường đối tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không chậm trễ trong việc ngăn ngừa các hành vi “đội lốt” hàng Việt Nam và không để tình trạng này gây tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác xuất khẩu.
Thực tế, từ năm 2016, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức và nguy cơ này và đã có những giải pháp phù hợp. Người đứng đầu ngành Công Thương dẫn chứng, mới nhất là trường hợp lô nhôm trị giá 4,3 tỷ USD giả hàng Việt chờ đi Mỹ đã bị phát hiện và đang được xử lý. Nhiều sản phẩm như thiết bị điện tử, dệt may, da giày, gỗ dán… có dấu hiệu gian lận thương mại, chuyển hàng bất hợp pháp đã được Bộ báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành xử lý.
Về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Bình Phước) nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, đây là vấn đề diễn ra tương đối phổ biến và công khai, nhất là ở nhóm hàng tiêu dùng. Vì thế, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan.
“Bộ Công Thương nhìn nhận trách nhiệm của mình ở lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Tới đây, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan để thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói...
Kết thúc phiên chất vấn chiều 6-11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngành mà Bộ trưởng phụ trách. Sáng mai, 7-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.