Hướng đến bộ phận “một cửa” hiện đại

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:22, 25/09/2022

(HNM) - Nhiều năm qua, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (bộ phận “một cửa”) trên địa bàn thành phố Hà Nội được duy trì hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi cần sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Bộ phận “một cửa” UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Quang

Còn nhiều khó khăn

Hiện 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định. Tính đến ngày 30-6-2022, tổng số thủ tục hành chính là 1.902, trong đó 1.543 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp thành phố, 249 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 110 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã.

Với sự quan tâm và triển khai tích cực nhiều giải pháp, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong cải cách hành chính. Năm 2021, điểm Chỉ số cải cách hành chính của thành phố đạt 88,54 điểm, mặc dù bị giảm 2 bậc nhưng điểm tổng thể tăng 2,47 điểm so với năm 2020. Hà Nội nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm chỉ số cao và cao hơn so với giá trị trung bình của cả nước 6,59%, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội năm 2021 tăng 3 bậc so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, theo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, bên cạnh kết quả đạt được, bộ phận “một cửa” các cấp cũng còn nhiều khó khăn. Ngay diện tích bộ phận “một cửa” - nội dung được thành phố đề cập trong các quy định về bộ phận “một cửa” và khuyến khích các đơn vị bố trí diện tích từ 40m2 đến 80m2 hoặc hơn, thì đến nay vẫn còn 70/627 đơn vị có diện tích dưới 40m2. Thậm chí bộ phận “một cửa” của UBND các phường: Đồng Xuân, Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) chỉ rộng 10m2-15m2.    

Đến nay vẫn còn 39/627 bộ phận “một cửa” các cấp chưa đáp ứng đủ yêu cầu mỗi cán bộ, công chức có 1 máy tính. Một số nơi vẫn còn tình trạng 2 người/1 máy tính như tại: Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Đông Anh và một số xã thuộc các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa...

Thực tế quá trình làm việc cho thấy, chất lượng và khả năng vận hành của máy tính bộ phận “một cửa” nhiều nơi đã xuống cấp. Thậm chí tính năng kết nối internet, kết nối các hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử thành phố hay các hệ thống thông tin chuyên ngành tư pháp, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội… kém hoặc không bảo đảm điều kiện kết nối.

Tương tự, vẫn còn 60/627 bộ phận “một cửa” chưa có máy quét (scan) cho cán bộ, công chức làm việc và 400/627 bộ phận “một cửa” chưa có thiết bị lấy số tự động phục vụ người dân khi đến giao dịch, chưa kể tại các đơn vị đã bố trí cũng có tới 128 thiết bị lấy số hư hỏng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa, thủ tục thực hiện bảo trì, nâng cấp các thiết bị còn rườm rà. Đặc biệt là chưa có quy chế phân cấp, ủy quyền nên khi thiết bị hỏng thì việc sửa chữa gặp khó khăn.

Cần sớm đổi mới

Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng UBND thành phố đang xây dựng dự thảo Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo dự thảo đề án, quy mô diện tích tối thiểu bộ phận “một cửa” phải đạt từ 40m2 trở lên; bảo đảm đủ 1 máy tính/1 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, có kết nối internet và thông suốt; máy scan/1 máy tính đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ tại bộ phận “một cửa”. Cùng đó, các yêu cầu về máy photocopy, máy lấy số tự động… cũng bảo đảm 1 thiết bị/1 đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị phải ưu tiên bố trí các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để người đến giao dịch có thể đánh giá sự hài lòng, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Việc thực hiện đề án có phần thuận lợi khi đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ giao 20%. Cùng với đó, nhiều đơn vị có những sáng kiến trong giải quyết thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước như: Mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn”, “Các thủ tục hành chính không chờ”.

Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) Đặng Minh Tuấn, việc UBND phường thực hiện “Các thủ tục hành chính không chờ” đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần. Nếu sắp tới Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội” với những đổi mới được áp dụng thì chắc chắn bộ phận “một cửa” sẽ hoạt động hiệu quả hơn, mang lại sự phấn khởi cho người dân.

Hiền Thu