Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Tăng cường giám sát
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:21, 08/11/2019
Tự phát tái đàn - tái phát sinh dịch
Sau một thời gian triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, số lợn tiêu hủy ở các địa phương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến nay bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tái phát ở một số hộ chăn nuôi. Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết, sau 3 tháng để trống chuồng, đến tháng 10 vừa qua, khi thấy bệnh dịch ở địa phương đã giảm nên gia đình ông đã mua 60 con lợn về nuôi chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Mặc dù, trang trại đã được tổng vệ sinh, tiêu độc trước khi tái đàn, nhưng do đặc điểm của vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phương thức truyền lây phức tạp nên toàn bộ số lợn mới nuôi lại mắc bệnh, phải tiêu hủy.
Trong khi đó, theo ông Phùng Văn Hiển ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì), tháng 7-2019 gia đình ông đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, với tổng khối lượng 49 tấn. Mặc dù, dịch bệnh có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn, do vậy gia đình ông không dám tái đàn.
Nói về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bà Đặng Thị Tươi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa thông tin, tính đến ngày 5-11, tổng khối lượng lợn tiêu hủy trên địa bàn huyện là 1.728 tấn; kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị mắc bệnh là hơn 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, do bệnh Dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8-2019, nhiều xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới, nên một số hộ nuôi đã tái đàn mà không báo cáo chính quyền cơ sở. Mặt khác, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tại các xã còn bị động; hộ nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở chăn nuôi, giết mổ của chính quyền địa phương cũng có sự chủ quan, buông lỏng, dẫn đến bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ở một số nơi từ tháng 9 đến nay...
Nhận định về nguyên nhân khiến cho một số địa phương phát sinh trở lại bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu ở môi trường bình thường. Mặt khác, tổng đàn lợn của thành phố lớn, nhưng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao nên việc kiểm soát, xử lý ổ bệnh gặp nhiều khó khăn". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, so với thời điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh nhất (tháng 5 và tháng 6-2019), bình quân mỗi ngày phải tiêu hủy đến 7.000-8.000 con lợn, thì nay chỉ phải tiêu hủy khoảng 200-300 con.
Phát hiện, ngăn chặn bệnh dịch hiệu quả
Để giám sát tình hình bệnh dịch tại cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, nhất là không để lây lan đối với các hộ có quy mô chăn nuôi lớn, Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại (huyện Ba Vì) Phùng Huy Kiên cho biết, xã đã duy trì việc tổng vệ sinh tiêu độc môi trường theo quy định của thành phố, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu các hộ chăn nuôi chấp hành quy định về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, khi có lợn mắc bệnh phải báo cáo chính quyền địa phương; không vứt xác lợn bị nhiễm bệnh ra môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập đàn lợn mới về nuôi ở các hộ dân…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, huyện phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi thực hiện những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không tái đàn, nuôi mới khi chưa bảo đảm thời gian hết dịch; tuyệt đối không tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, không tự chữa trị lợn bệnh, lợn ốm.
“Đồng thời, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác phòng, chống bệnh dịch, hộ tái đàn, không kê khai, báo cáo chính quyền địa phương. Về lâu dài, huyện cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn cung cấp ra thị trường”, ông Nguyễn Chí Viễn nói.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo, đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như triển khai phòng, chống bệnh dịch tại các địa phương; hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý ổ bệnh tái phát theo quy định; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi nhằm phát hiện và xử lý triệt để ngay từ khi phát sinh.
"Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường hoạt động ở các chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông. Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật", ông Chu Phú Mỹ khẳng định.
Vừa phòng, chống bệnh dịch, vừa thực hiện sản xuất, phân phối, vận chuyển sạch là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong điều kiện hiện nay, do đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương phải vào cuộc với quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt. Về lâu dài, các ngành chức năng cần nghiên cứu tái cơ cấu lại sản phẩm chăn nuôi, tạo cơ chế hấp dẫn để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, thành phố đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho các địa phương hỗ trợ người dân có lợn mắc bệnh và thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Việc tái phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn ít; nhiều địa phương chỉ phát sinh một hộ.