Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 14:54, 08/11/2019
Nguồn lực phát triển không phải là “rừng vàng, biển bạc”
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thách thức lớn nhất của đất nước hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.
“Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau... Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cũng trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ hơn về vấn đề trọng tâm được Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm về giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc để giải quyết tốt hơn và cần sự chủ động, sáng tạo, sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các thành viên Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình, không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Về môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế.
Chính phủ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo, người khuyết tật, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng chính sách, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...
Về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng, dù đất nước đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận sâu sắc, toàn diện cả kết quả tích cực và những hạn chế, yếu kém. “Liệu có bền vững không, khi có xã đạt nông thôn mới nhưng chất lượng cuộc sống của người dân về văn hóa, về môi trường lại đi xuống?”, Thủ tướng nêu.
Về một số vấn đề xã hội bức xúc được các đại biểu Quốc hội đề cập như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, hành xử côn đồ, tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng…, Thủ tướng cho rằng, kinh tế thị trường đem lại cho cuộc sống mỗi người sự đầy đủ hơn, tiện nghi hơn về vật chất, nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.
Vì vậy, Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh, loại bỏ các biểu hiện trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội; yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm môi trường sống, an ninh, an toàn cho người dân; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tôn vinh gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vô trách nhiệm, thiếu văn hóa…
Bảo vệ, bảo hộ và bao cấp thì không thể thành công trong hội nhập
Trả lời câu hỏi của 9 đại biểu đã nêu tại phiên chất vấn trong 2 ngày qua và 9 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi đầu phiên chất vấn chiều nay, Thủ tướng Chính phủ nói rõ về các biện pháp bảo hộ cho các hộ kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do và 3 hiệp định lớn đang được thảo luận, sắp ký trong thời gian tới.
“Hội nhập là cần thiết, nhưng khi hội nhập phải giải quyết được vấn đề quan trọng là có công cụ phòng vệ thương mại và sử dụng hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để bảo vệ đúng mức, đúng quy định trong quá trình thảo luận các hiệp định. Nhà nước sẽ phải tạo môi trường và thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như người dân, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tốt, gồm cả năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, năng lực quản trị để hội nhập", Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Thủ tướng “đề nghị doanh nghiệp, người dân phải đứng trên đôi chân của mình. Nếu bảo vệ, bảo hộ và bao cấp thì không thể thành công trong hội nhập”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh) về phát triển kinh tế khu vực tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã có hơn 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương, các cấp, các ngành thời gian qua đã chỉ đạo, hành động để phát triển kinh tế tư nhân, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
“Kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP cả nước và chúng ta vui mừng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Chúng ta không hề phân biệt, mà bình đẳng các thành phần kinh tế. Đảng và Nhà nước luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) về việc còn ít áp dụng khoa học trong quản lý nhà nước, Thủ tướng khẳng định, việc áp dụng khoa học trong quản lý nhà nước là cần thiết. Chính phủ đã và đang xây dựng chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và đặc biệt là triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 tốt nhất.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, một số việc trên còn được làm chậm, chưa đạt yêu cầu nên Chính phủ cần có sự quyết liệt hơn nữa để phục vụ người dân tốt hơn và bảo đảm công tác quản lý nhà nước được nhanh nhạy, kịp thời với yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.
Không chấp nhận nền văn hóa lai căng, nhợt nhạt
Nhất trí với đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) về việc đầu tư cho phát triển văn hóa là vấn đề quan trọng, cấp thiết, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, phát triển văn hóa là chiến lược quan trọng trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên, cũng tại diễn đàn Quốc hội này, chúng ta đã cùng nhìn nhận nhiều tồn tại, bất cập và khuyết điểm trong quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt, văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.
“Mục tiêu của Chính phủ là phát triển nền kinh tế sớm vượt ra bẫy thu nhập trung bình, nhưng không chấp nhận tình trạng văn hóa lờ nhờ, nhợt nhạt hay có nền văn hóa lai căng, để mất truyền thống văn hóa Việt Nam. Đó là yêu cầu đặt ra để giữ gìn văn hóa đất nước, giữ gìn truyền thống văn hóa 4000 năm lịch sử”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa, bỏ tư duy “cái gì không quản lý được thì cấm”; xây dựng nền công nghiệp văn hóa cạnh tranh toàn cầu, chấn chỉnh sự lệch lạc về văn hóa; giáo dục về văn hóa cho mỗi người dân từ khi còn nhỏ để mỗi người hiểu rõ về lịch sử dân tộc, có lối sống văn hóa, đạo đức, ứng xử văn minh...; chấn chỉnh các hành vi thiếu văn hóa trong nền kinh tế thị trường, trong mọi cấp, mọi ngành, bảo đảm giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa dân tộc…
Trong hơn một giờ đồng hồ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm rõ các nội dung về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ; tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng hướng đến sự bình đẳng; phát triển nền kinh tế ban đêm; xử lý những điểm nghẽn trong chính sách, pháp luật…