Cần xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ và tầm quan trọng của UNCLOS 1982
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:45, 08/11/2019
Sau hai ngày làm việc, đã có 47 bài phát biểu được trình bày cùng với hơn 250 lượt trao đổi. Các đại biểu đã thảo luận tình hình Biển Đông trong bối cảnh khu vực địa chính trị rộng lớn hơn gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và hai vùng địa cực.
Các ý kiến nhấn mạnh cần thượng tôn pháp luật tại khu vực, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, đa phương, đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Vai trò của các quốc gia tầm trung và các quốc gia ngoài khu vực như Liên minh châu Âu (EU) được quan tâm. Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định, EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển, mà còn là đối tác an ninh trong khu vực.
Các đại biểu nhận định, các nước còn nhiều cơ hội hợp tác trên Biển Đông và các vùng biển rộng lớn hơn, nhưng mâu thuẫn trên biển ngày càng có tính chiến lược và có khả năng mở rộng tới các vùng địa cực, trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn.
Bàn về “chiến thuật vùng xám”, các đại biểu cho rằng, đây là chính sách thường được các nước lớn sử dụng để mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây xung đột quân sự. Để hạn chế chiến thuật này, các đại biểu đề xuất có thêm quy định đối với các hoạt động trong “vùng xám” song song với nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
Các diễn giả cũng nhận định Biển Đông hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khai thác quá mức. Tất cả các nước có trách nhiệm hợp tác giải quyết các thách thức này vì ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn cá đang tác động đến hệ sinh thái biển, sinh kế của người dân ven biển và kinh tế của các nước.
Phát biểu trong phiên bế mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vai trò của chủ nghĩa đa phương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. Các nước trong và ngoài khu vực cần chung tay để trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải một phần của vấn đề Biển Đông.