Thay đổi ngay từ nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 09/11/2019
Thế nhưng, trong 7.108 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp được kiểm tra từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9-2019, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và đề nghị khắc phục đến 13.633 tồn tại, thiếu sót; và có đến 1.638 cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng. Đây thực sự là điều đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.
Thực trạng kể trên cho thấy rõ sự lơ là, chủ quan và bất chấp quy định pháp luật về phòng cháy của chủ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đồng thời, cũng phản ánh thực tế công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở còn nhiều hạn chế, tồn tại. Ở đây, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc kiểm tra, rà soát, thẩm duyệt phương án phòng cháy. Bởi vấn đề đặt ra là tại sao vẫn có hàng nghìn cơ sở chưa được cấp thẩm quyền thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đi vào hoạt động? Cũng có không ít cơ sở trái phép “mọc” trên đất nông nghiệp, nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào nhưng vẫn hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật”…
Hệ quả của những việc làm thiếu trách nhiệm về phòng cháy là rất lớn và khôn lường. Trong đó, phải kể đến an toàn tính mạng của người lao động; là tài sản của doanh nghiệp, nếu xảy cháy thiệt hại không hề nhỏ; và hơn thế những cơ sở sản xuất gần khu dân cư có thể đe dọa sự an toàn của cả cộng đồng…
Trong phòng cháy, chữa cháy, mục tiêu lớn nhất là làm tốt công tác phòng ngừa. Nhìn vào thực tế hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ cơ sở sản xuất. Quá trình lao động, sản xuất, đâu đó vẫn có người thiếu ý thức, sử dụng các thiết bị có thể sinh ra nguồn nhiệt một cách thiếu kiểm soát, không đúng quy định. Nguy hiểm hơn khi vẫn còn tình trạng người lao động ăn, ngủ tại nơi sản xuất. Do đó, không gì tốt hơn và có thể làm được ngay là chính người lao động hãy tự bảo vệ mình, khắc phục ngay những tồn tại kể trên.
Các chủ cơ sở sản xuất cũng phải thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, phải có giải pháp trong thiết kế, quy hoạch… phục vụ tốt nhiệm vụ phòng cháy; phải đầu tư thích đáng và được cấp thẩm quyền thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy mới đi vào sản xuất. Quá trình vận hành nhà xưởng, cần sắp xếp hàng hóa, bố trí các dây chuyền sản xuất hợp lý... Đi kèm với đó là việc xây dựng đội phòng cháy tại chỗ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sử dụng thành thạo thiết bị phòng cháy…
Với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cần phối hợp đồng bộ, xuyên suốt để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Trong đó, cần làm mới, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu các thông tin, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để chủ cơ sở, người dân ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ mà tự giác thực hiện.
Nhiệm vụ tiếp theo là nắm chắc địa bàn, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ cháy nổ, từ đó triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp với từng loại hình cơ sở. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, rà soát về phòng cháy tại cơ sở sản xuất công nghiệp theo hướng thường xuyên. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm, phải kiên quyết xử lý.
Thay đổi ngay từ nhận thức để tự ý thức, chủ động thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại mỗi cơ sở sản xuất chính là gốc rễ để bảo đảm an toàn cho người lao động và cộng đồng.