Thành công với tầm nhìn xa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 10/11/2019
Tổ chức một sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế không hề dễ dàng. Ngoài những yêu cầu khắt khe về chất lượng nghệ thuật, công tác tổ chức… phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, phải kể đến những khó khăn về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị… Đặc biệt, đặt trong bối cảnh xu hướng thưởng thức nghệ thuật thời 4.0 có nhiều khác biệt, khán thính giả luôn đề cao tính giải trí, hình thức bắt mắt...
Nhưng, “trong cái khó ló cái khôn”. Việc tổ chức lễ hội nghệ thuật quốc tế, nếu biết tận dụng để làm nên sự khác biệt, sẽ là hướng đi đầy tiềm năng, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Một số chương trình nổi bật tổ chức trong những năm qua như: Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” ở Thủ đô Hà Nội, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… đã cho thấy vai trò của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc quốc tế trong việc thu hút người yêu nghệ thuật, du khách đến với Việt Nam. Không những vậy, khán thính giả, giới văn nghệ sĩ, nhà quản lý ngành Văn hóa nước nhà cũng được tiếp cận nhiều xu hướng hoạt động văn hóa, nghệ thuật tiên tiến của thế giới.
Hiệu quả đã rõ, vấn đề trọng tâm hiện nay là cần tạo ra một mô hình vận hành tiêu chuẩn, chuyên nghiệp. Việc này có thể thấy rõ qua chương trình Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” đã được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho tổ chức vào tháng 11 hằng năm (đến năm 2024).
Rõ ràng, khi một sự kiện được tổ chức thường niên, sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà tổ chức đầu tư dài hơi và khẳng định thương hiệu, mà việc quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng nghệ thuật, chuyên môn cao để duy trì sức hút với khán giả - yếu tố sống còn với một chương trình nghệ thuật.
Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội vừa được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo, thì việc tổ chức thành công những lễ hội nghệ thuật quốc tế như Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” càng thêm ý nghĩa.
Nhìn tổng thể, văn hóa, nghệ thuật có một vai trò đặc biệt trong việc kích thích sự sáng tạo của con người, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Đây là một trong những lý do căn bản cần thêm nữa các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tổ chức ở Việt Nam. Do vậy, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho lĩnh vực này có đầy đủ nguồn lực phát triển.
Một việc khác cần quan tâm là tăng cường hợp tác quốc tế để có thể cập nhật những công nghệ, xu hướng văn hóa, nghệ thuật, cách thức tổ chức nhưng vẫn bảo đảm yếu tố lành mạnh, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam; đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn kinh phí tổ chức sự kiện; bảo đảm an ninh trật tự…
Thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tổ chức ở Việt Nam, giới văn nghệ sĩ và khán giả đều có cơ hội được kích hoạt sự sáng tạo trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức. Đây vừa là yếu tố duy trì sức sống, làm lan tỏa ý nghĩa của mỗi chương trình nghệ thuật; song cũng đồng thời là bái toán mới cho công tác quản lý với vai trò "bà đỡ" cho hoạt động nghệ thuật.
Các lễ hội nghệ thuật quốc tế tổ chức ở nước ta đều ít nhiều truyền đạt những giá trị nhân văn, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển. Và việc xây dựng và tổ chức sự kiện thành công hay không phụ thuộc vào một tầm nhìn xa, cùng tư duy cộng hưởng tích cực của nhà tổ chức, ban - ngành chức năng và khán giả.