Để người lao động không ly hương
Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 10/11/2019
Nhu cầu có thực
Chị Nguyễn Thị An, thôn Triều Đông, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) cho biết, sau khi học nghề kỹ thuật may công nghiệp dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2018, chị đã đầu tư kinh phí mua máy, thiết bị, tự tạo việc làm cho bản thân và một số lao động khác với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Làm không hết việc, nhưng chị An không dám mở rộng quy mô sản xuất vì thiếu vốn.
“Sử dụng nguồn vốn cho vay ngắn hạn, lãi suất cao để mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia đình tôi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhằm bảo đảm an toàn cho nhiều phía, tôi đã bày tỏ nguyện vọng được vay vốn ưu đãi từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu được giải quyết cho vay, năm 2020, tôi sẽ mua thêm máy, tuyển thêm lao động vào làm việc”, chị An cho hay.
Không riêng chị An, đại đa số lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Sơn Tây tham gia đào tạo nghề theo Quyết định 1956 chưa được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn Tây, năm 2018, toàn thị xã có gần 2.000 người theo học các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, nhưng chỉ có 5 trường hợp được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sơn Tây để tạo việc làm. Năm 2019, số trường hợp được giải quyết vay vốn cũng không đáng kể.
Tại huyện Đông Anh, nhóm đối tượng là lao động nông thôn hoàn thành các khóa đào tạo nghề theo Quyết định 1956 được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số đối tượng được vay.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Năm 2018, toàn huyện có hơn 100 học viên được giải quyết cho vay vốn ưu đãi, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Năm 2019, số học viên có cơ hội tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi tăng lên không nhiều. Nguyên nhân là hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có nguồn vốn cho vay dành riêng cho lao động nông thôn sau khi họ hoàn thành chương trình đào tạo nghề theo tinh thần Quyết định 1956, khiến các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai.
Cần chủ động, linh hoạt
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, thành phố tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 20.000 lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Người học là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bị thu hồi đất…, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, nên rất nhiều người có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm.
Do đó, những rào cản khiến người lao động học nghề theo Quyết định 1956 khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt. Đó cũng là giải pháp hỗ trợ người lao động có thể ly nông, mà không phải ly hương.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây đề nghị các cơ quan chức năng bổ sung nguồn vốn giải quyết việc làm ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có nguồn vốn cho vay dành riêng cho đối tượng lao động nông thôn hoàn thành các khóa đào tạo nghề theo Quyết định 1956.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nhận định, đối tượng học nghề theo Quyết định 1956 không khó để tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi khi các ngành chức năng cùng vào cuộc.
Tại Mê Linh, hằng năm UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp khảo sát nhu cầu cần vay vốn của người lao động học nghề theo Quyết định 1956. Những người đủ điều kiện, có nhu cầu sẽ được giải quyết cho vay từ nguồn vốn cho vay dành cho hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm... Theo cách này, riêng năm 2018, toàn huyện Mê Linh có gần 200 học viên học nghề theo Quyết định 1956 được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Qua những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, để người lao động học nghề theo Quyết định 1956 có việc làm tại địa phương, các cơ quan chức năng cần quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời phải phân bổ nguồn vốn đến đối tượng theo hướng chủ động, linh hoạt.