Phát huy giá trị các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng: Đòi hỏi thiết thực từ đời sống
Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 11/11/2019
Bài đầu: Hiện thân của những giá trị sáng tạo
Phát huy hiệu quả những công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng là đòi hỏi thiết thực từ đời sống đương đại, nhằm gia tăng cơ hội trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật cho cộng đồng, kích thích sức sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời thu hút khách du lịch từ các hoạt động trải nghiệm giàu bản sắc.
Một phần không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội
Là loại hình nghệ thuật trưng bày ở nơi công cộng, phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của mọi tầng lớp nhân dân, công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng gồm các sáng tạo từ nghệ thuật điêu khắc, phù điêu, tượng đài, tranh tường… được thể hiện trên nhiều chất liệu, màu sắc, kích cỡ khác nhau. Với nhịp đập sáng tạo đầy sôi động của Thủ đô, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày một nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng, góp phần cải tạo cảnh quan, không gian vui chơi, giải trí và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho công chúng. Không ít tác phẩm đã trở thành một phần hồn cốt của thành phố hay mang đến những trải nghiệm đầy mới mẻ và ấn tượng, như: Tượng đài Lý Thái Tổ, Tượng đài Quyết tử để tổ quốc quyết sinh… tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; con đường gốm sứ ven sông Hồng (chạy qua địa phận 4 quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng)…
Thường xuyên dạo chơi trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, bà Nguyễn Thanh Hà (ở phố Yên Ninh, quận Ba Đình) cho biết: "Tôi rất hào hứng với những ý tưởng làm đẹp cho không gian hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây đã có cảnh quan cây xanh, mặt nước, khu đền linh thiêng và những truyền thuyết, huyền thoại bao phủ, giờ có thêm những tác phẩm nghệ thuật đương đại sẽ là sự bổ sung lý tưởng về thẩm mỹ và giá trị văn hóa cho khu vực". Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng đang trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội, mang đến sức sống mới cho không gian, kiến trúc nơi chúng hiện diện; đồng thời, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, hỗ trợ hiệu quả cho chính sách thu hút khách du lịch của thành phố. Không ít công trình đang trở thành điểm đến trong các tour du lịch trải nghiệm.
Hàm chứa đa phương diện lợi ích, việc khai thác sao cho hiệu quả các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng luôn thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới chuyên môn. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Bên cạnh nhiều tác phẩm nghệ thuật thực sự chất lượng, có đóng góp giá trị cho đời sống cộng đồng, trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít sản phẩm mỹ thuật chất lượng và thẩm mỹ kém xuất hiện ở các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng... Nhiều công trình khác, dù bảo đảm về yếu tố thẩm mỹ, nhưng bị đặt trong không gian không phù hợp nên thành lạc lõng hoặc thiếu giám sát, bảo vệ mà bị xâm hại, bởi những cá nhân thiếu ý thức”.
Để phát huy giá trị công trình văn hóa
Với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho đô thị phát triển bền vững, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc nhân rộng các không gian sáng tạo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát huy tiềm năng, thế mạnh phục vụ đời sống cộng đồng, đưa thành phố trở thành nơi hội tụ không gian sáng tạo dẫn đầu cả nước. Với việc mới đây trở thành thành viên mới của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội cũng cho thấy những bước đi chắc chắn trên lộ trình phát huy thương hiệu thành phố sáng tạo. Để làm được điều này, thành phố đã hoạch định những chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kế hoạch kết nối các chính sách của thành phố, trong đó không thể thiếu việc phát triển các không gian công cộng với những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa.
Tham gia góp ý kiến với Hà Nội trong việc phát huy hơn nữa hiệu quả các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đề xuất: "Hà Nội cần sớm có quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng để kiểm soát công trình ngay từ đầu; trong đó quy định rõ về kích thước, màu sắc công trình, không gian, phương hướng gắn, đặt cho phù hợp, bảo đảm yếu tố thẩm mỹ cũng như không ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế quản lý, bảo vệ đi kèm để tránh tình trạng công trình bị xuống cấp, bị xâm hại, biến dạng… như không ít tác phẩm tại vườn tượng ở Công viên Bách thảo Hà Nội".
Nghệ thuật công cộng phản ánh mức độ văn minh của một thành phố, thậm chí có thể trở thành biểu tượng, nơi cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa và thẩm mỹ cho cộng đồng xã hội. Để đạt được điều này, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, cần phải có sự vào cuộc sát sao hơn của các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng trong thẩm định nội dung, cách thức thực hiện. “Thành phố có thể thành lập một hội đồng nghệ thuật độc lập, gồm nhiều loại hình: Hội họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn… Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm đánh giá toàn bộ công trình, dự án từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn tất, nhằm bảo đảm các yêu cầu về thẩm mỹ, hài hòa với không gian, kiến trúc xung quanh cũng như có độ bền thiết yếu với thời gian. Ngoài ra, cũng cần tham khảo ý kiến từ phía cộng đồng”, họa sĩ Lê Thiết Cương nêu quan điểm.
Để phát huy hiệu quả các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng, bên cạnh trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng rất cần ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, quy định cụ thể về việc tôn trọng không gian chung của cộng đồng; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường...
(Còn nữa)