Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Thúc đẩy phát triển bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:32, 12/11/2019
Mất cân đối trong cơ cấu vật nuôi
Sau 10 năm (2008-2018) thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã thực sự trở thành một ngành sản xuất hàng hóa với sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,3 triệu tấn (giá trị tương đương 220.000-230.000 tỷ đồng). Mặt khác, ngành chăn nuôi đã chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất trang trại, công nghiệp (chiếm hơn 45% về quy mô và hơn 60% về sản lượng).
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT) cho biết, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố. Số lợn phải tiêu hủy lên tới 5,8 triệu con với tổng khối lượng 333.153 tấn. Chính phủ đã phải hỗ trợ hơn 2.370 tỷ đồng cho các địa phương phòng, chống bệnh dịch này…
Khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải “treo chuồng”, dẫn tới thiếu nguồn cung thịt lợn, đẩy giá lợn hơi tăng lên hơn 70.000 đồng/kg. Và cũng có một thực tế khác là nhiều năm qua, ngành chăn nuôi luôn phải loay hoay với vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, chịu tác động lớn của thị trường khi không ổn định được nguồn cung.
Mặt khác, Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, đất đai, thị trường... Song, không phải ai cũng có thể tiếp cận được những chính sách này. Bà Nguyễn Thị Lan (xã Ba Trại, huyện Ba Vì) - một hộ chăn nuôi lợn cho biết: "Gia đình tôi và một số hộ nuôi lợn bị thiệt hại nặng do bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Giờ muốn có vốn để chuyển đổi sang vật nuôi khác nhưng chưa biết vay ở đâu vì không có tài sản thế chấp... Đây là khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi khi muốn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi”.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều vấn đề đang tác động lên ngành chăn nuôi. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương thông tin, Việt Nam đang mất cân đối trong cơ cấu vật nuôi khi tỷ lệ đàn lợn chiếm tới 70%, trong khi gia cầm 21%, gia súc ăn cỏ 9%. Ở các nước phát triển, chăn nuôi lợn chỉ từ 20 đến 25%, gia cầm 40% và gia súc ăn cỏ từ 30 đến 35%... Nhìn tổng quan hơn, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 chưa đánh giá đầy đủ vai trò của thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, cũng như yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt... Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu diễn ra trong thời gian qua.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Ðể ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trước hết cần tháo gỡ những "nút thắt" nội tại. Và, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là hết sức cần thiết, đặc biệt, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi trên cơ sở bảo đảm phát huy lợi thế của từng địa phương.
Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, Cục Chăn nuôi đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn năm 2040 trình Bộ NN&PTNT phê duyệt. Theo đó, sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, hươu, cừu…) với hình thức sản xuất trang trại, công nghiệp. Theo đó, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô 30 triệu con, trong đó lợn nuôi trang trại, công nghiệp sẽ chiếm 70%. Đàn gia cầm sẽ tăng bình quân hơn 3%/năm. Thủy cầm ổn định khoảng 100 triệu con và nuôi theo hình thức công nghiệp chiếm 50%.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ NN& PTNT và các địa phương sẽ rà soát lại cơ cấu vật nuôi trên địa bàn, định hướng phát triển những sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế, thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Từ góc độ của người sản xuất, ông Nguyễn Đại Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), cho rằng: Nhà nước cần có những quy định áp dụng về giá trần, giá sàn các sản phẩm chăn nuôi để ổn định thị trường tiêu thụ và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến dự trữ thịt cấp đông theo chương trình dự trữ quốc gia. Cùng với đó là việc hoàn thiện và ban hành các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, tạo điều kiện cho các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học bán được sản phẩm ra thị trường để nhân rộng mô hình này ở các địa phương.
Với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, thành phố sẽ chú trọng phát triển giống vật nuôi để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh; đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm có lợi thế của địa phương như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn; vịt cỏ Vân Đình, gà mía Sơn Tây...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai có hiệu quả việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh phục vụ sản xuất chăn nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. “Bộ đã đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho chủ cơ sở chăn nuôi trang trại, quy mô lớn được ưu tiên giao đất, thuê đất với khung giá thấp và thời gian lâu dài. Đồng thời, xây dựng hạ tầng cho các cơ sở chăn nuôi giống, giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi nằm trong khu vực đã được quy hoạch…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Những giải pháp của Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cũng như cơ chế phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm... Đó sẽ cơ hội để thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng tăng trưởng bền vững, đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.