Tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 15/11/2019
Trên thực tế, hiện 30% trong số 590.000 trẻ mầm non đang được chăm sóc ở các cơ sở mầm non ngoài công lập. Nhiều cơ sở mầm non tư thục được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên có chuyên môn vững, bảo đảm đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ, giảm tải cho hệ thống trường công lập.
Song cũng không ít nơi, nhất là ở khu vực ngoại thành và thường là nhóm trẻ hay lớp độc lập, có cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy, nổ; vệ sinh thực phẩm; an toàn thân thể cho trẻ…
Trong đó, có cả những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động; giáo viên không được đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn thương tích hay hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm hại trẻ...
Nguyên nhân của tình trạng này, một phần xuất phát từ nhu cầu gửi trẻ lớn trong khi cơ sở trường, lớp còn hạn chế, nhưng sâu xa hơn vẫn là từ công tác quản lý - cụ thể là việc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm sau cấp phép của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Nói cách khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục ở ngay cấp xã, phường, thị trấn là công việc rất quan trọng.
Tất nhiên, để bảo đảm đầy đủ điều kiện chăm sóc trẻ mầm non, trước hết, chủ các cơ sở phải ý thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ quy định đối với một cơ sở mầm non; có sự đầu tư thỏa đáng cho việc dạy học, chăm sóc trẻ; có quy định, quy chế hoạt động rõ ràng, công khai để phụ huynh giám sát; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và kiểm tra chặt chẽ việc chăm sóc trẻ ở từng lớp...
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra cả định kỳ và đột xuất; hỗ trợ, hướng dẫn đội ngũ giáo viên tuân thủ quy chế chuyên môn; chấn chỉnh, xử lý ngay mọi vi phạm; kiên quyết đóng cửa, thu hồi giấy phép hoạt động những cơ sở không bảo đảm điều kiện…
Trong công tác kiểm tra, nói vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn quan trọng hơn cả, bởi thông qua các cán bộ cơ sở, các tổ chức, đoàn thể ở tổ dân phố, thôn, xóm, chính quyền địa phương nắm rõ nhất hoạt động của các trường, lớp mầm non tư thục, ngoài công lập; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý ngay nếu có vi phạm hay nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Công việc này đòi hỏi cán bộ chuyên trách ở địa phương phải có trách nhiệm cao, nắm chắc quy định, để vừa hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở chăm sóc trẻ tuân thủ, vừa tham mưu cho lãnh đạo địa phương làm tốt công tác quản lý.
Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non nói chung, ở cơ sở ngoài công lập nói riêng. Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng mô hình nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập điểm để tham khảo, nhân rộng. Hay việc các địa phương thường xuyên cập nhật, công khai danh sách các cơ sở mầm non đủ điều kiện hoạt động, bị đình chỉ hay thu hồi giấy phép… để nhân dân biết khi quyết định gửi trẻ, đồng thời giám sát cùng chính quyền.
Bình quân mỗi năm, trên địa bàn thành phố có thêm từ 25.000 đến 30.000 trẻ mầm non đến lớp, vì vậy công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục luôn được Hà Nội coi trọng, để "trường ra trường, lớp ra lớp", bảo đảm an toàn cho trẻ.