Những chuyến đò chở ước mơ
Giới trẻ - Ngày đăng : 15:18, 15/11/2019
Những chuyến đò đi cùng năm tháng
Trời vừa tảng sáng, mây còn giăng như chiếc ô xòe trên ba đỉnh non thiêng núi Tản và sương mờ vẫn chưa tỏ mặt người, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang đã tất tả sửa soạn cho kịp chuyến đò sớm để đến trường.
Từ nhà mình ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây đến Trường THCS Minh Châu ở xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì là chặng đường gần 30km, nhất là phải qua một chuyến đò ngang nên cô giáo Trang luôn phải dậy từ sớm tinh mơ. Cô Trang chia sẻ, nhiều khi chỉ đến chậm vài phút đã thấy đò đến giữa sông. Nhanh cũng mất 15 phút, chậm thì gần nửa tiếng nữa mới có chuyến đò tiếp theo. Những lúc ấy những giáo viên lỡ đò như cô Trang lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên vì lo muộn giờ lên lớp.
Cô Trang thuộc thế hệ 9x, là giáo viên dạy môn Văn, môn Địa kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Minh Châu, hiện đang giữ “kỷ lục” người đi làm xa nhất trường, thậm chí xa nhất so với các cán bộ, công chức, viên chức của xã đảo. Không riêng cô chịu cảnh đò giang cách trở, mà hầu hết giáo viên ở xã đảo này hằng ngày cũng đều phải qua những chuyến đò ngang như thế.
Buổi sáng trước 6h, chiều sau 17h một chút là bến đò ngang nối xã đảo với đất liền đông như hội. Cô Trang kể, đi lại vất vả mà vui vì chuyến đò râm ran nhiều câu chuyện. Mỗi sáng và chiều hằng ngày cô giáo Trang đi chung một chuyến đò cùng nhiều đồng nghiệp như cô Tạ Thị Bích Loan ở xã Thụy An cách trường 11 cây số, cô Ngô Thị Nga ở xã Phong Vân cách trường gần 20 cây số... Lúc đò cập bến các thầy cô lại gặp nhiều học trò cũ đang theo học trường THPT bên này sông. Em Nguyễn Thị Mơ ở xóm 6, thôn Chu Châu cho biết: “Hằng ngày em và các bạn cùng xã đang học Trường THPT Ba Vì vẫn đi đò qua sông để đến trường. Những hôm về muộn sau 18h chỉ còn cách đạp xe qua bãi bồi tiếp giáp với huyện Vĩnh Tường rồi lên cầu Vĩnh Thịnh để về nhà, phải đi vòng xa thêm 20km”. Nhưng vào mùa mưa, con đường đi qua bãi bồi đó cũng bị ngập nước, vì vậy các em vẫn phải đi đò để về nhà.
Ông Nguyễn Danh Đạt - Chủ tịch UBND xã Minh Châu thống kê, hiện có khoảng 200 con em của xã đảo hằng ngày phải đi đò ngang qua sông để đến trường THPT, vì ở Minh Châu chưa có trường THPT. Cùng với đó là hàng chục giáo viên, cán bộ, công chức công tác tại xã đảo nhưng nhà ở nơi khác cũng hằng ngày qua đò. Mấy năm gần đây cầu Vĩnh Thịnh nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) được khánh thành đã phá thế độc đạo của “ốc đảo” Minh Châu nhưng bà con, giáo viên và học sinh ở xã đảo vẫn đi đò vì đường gần và tiện hơn. Chính quyền xã thường xuyên phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy trang bị kiến thức cho người dân, nhắc nhở chủ đò trang bị đủ áo phao cứu sinh và các kỹ năng đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND xã Minh Châu cũng cho biết, Minh Châu là xã duy nhất của thành phố Hà Nội nằm ở bãi giữa sông Hồng, nơi hội tụ của 3 dòng sông là sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Xã cách trung tâm huyện Ba Vì khoảng 5km. Năm 1955, xã đảo Minh Châu mới chính thức ra đời. Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày được “khai sinh”, cuộc sống trên Minh Châu giờ đã nhộn nhịp, trù phú.
Gieo hạt giống cho quê hương
Minh Châu giờ đã có điện lưới giăng khắp lối xóm nhờ công cuộc kéo điện qua sông Hồng của ngành Điện lực Thủ đô. Ô tô đã đi lại thoải mái trên xã đảo khi gần 10km đường được đầu tư sau khi Minh Châu về Thủ đô. Trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá đã được xây dựng khang trang... Nhìn những công trình mới tạo diện mạo trù phú hôm nay cho Minh Châu, ít ai nghĩ hơn một thập kỷ trước xã đảo Minh Châu còn là nơi rất nghèo, heo hút và hoang sơ.
Thầy giáo Nguyễn Tài Luận - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Châu, nhớ lại, khi chưa có Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La thì xã Minh Châu hằng năm vẫn hứng một mùa lũ, do đây là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn. Mỗi khi lũ đi qua, đường sá, nhà ở, trường học, trạm xá... “được” phủ một lớp phù sa dày. Cứ trước khi vào năm học mới thầy trò lại một phen phải vất vả vệ sinh trường lớp, ấy là chưa nói tới chuyện “gieo” được cái chữ đến cho thế hệ trẻ ở Minh Châu, trước mỗi năm học mới thầy Luận và các đồng nghiệp phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Thầy Luận vẫn nhớ như in hình ảnh mỗi học sinh đến trường mang theo một túi tro bếp. Trong khi các thầy cô căng sức kéo từng mảng phù sa bằng thiết bị đặc biệt là những mảnh gỗ thiết kế như chiếc bồ cào, kéo đến đâu thì học trò lại theo chân, rắc tro đến đấy để nền đất mau khô và cứng. Nhờ vậy mà ngôi trường cấp 4 ọp ẹp trước đây tồn tại được qua mùa lũ này đến mùa lũ khác, trở thành nơi khai sáng, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho con em xã đảo Minh Châu nên người.
Dãy nhà cấp 4 với nền đất, sân đất năm nào giờ đã thành ngôi trường 3 tầng kiên cố, khang trang, có cả sân chơi, nhà thể chất, không kém những ngôi trường ở trung tâm huyện hay khu vực nội thành. Những lớp học trò năm xưa của Trường cấp 2 Minh Châu, trong đó có thầy Luận, nay đã phương trưởng, không ít người có cơ hội “bay cao, bay xa” nhưng đã trở về cống hiến cho quê hương. Câu chuyện về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tài Luận vẫn được bà con nhắc đến đầy cảm phục. Tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào những năm 2000, mặc dù được giới thiệu về một số trường trên địa bàn thị xã Hà Đông, Sơn Tây nhưng thầy Luận lại trở về quê hương, trở thành giáo viên dạy Văn của Trường THCS Minh Châu, dành tâm sức nuôi dưỡng những ước mơ của các em nhỏ ở xã đảo.
Thầy Luận bảo, người Minh Châu tuy nghèo nhưng hiếu học và tình nghĩa. Học sinh lớp trên bảo nhau để dành sách bút lại cho các em lớp dưới để san sẻ gánh nặng cho gia đình. Nhà trường đứng ra tiếp nhận những tình cảm đó, tạo thành phong trào “Lá lành đùm rách” trong bao lớp học sinh. Bí thư Đoàn xã Minh Châu Nguyễn Tài Cường cũng là Trưởng ban Phụ huynh của Trường THCS Minh Châu cho biết, Minh Châu còn nghèo, học trò Minh Châu còn thiếu thốn so với chúng bạn ở Thủ đô nhưng nơi đây luôn ấm áp tình nghĩa. Ngày 20-11 hằng năm chỉ có hoa và lời ca tiếng hát làm ấm lòng cô trò nhà trường, song đó luôn là những kỷ niệm khó phai mờ trong lòng người dân xã đảo... Giống như thầy Luận, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Tài Cường và ngay cả Chủ tịch UBND xã Nguyễn Danh Đạt cùng nhiều cán bộ địa phương cũng đều là những người con Minh Châu được ươm mầm và trưởng thành từ mái trường tình nghĩa này.
Trong câu chuyện của mình, thầy Luận nhắc mãi về ước mơ xây dựng quê hương giàu đẹp. “Từ khi tôi sinh ra, có 5 sự kiện lớn làm thay đổi cuộc sống người dân xã đảo. Đó là năm 2000, Minh Châu là xã cuối cùng của tỉnh Hà Tây (cũ) có điện lưới quốc gia. Năm 2005, trạm phát sóng viba được xây dựng, đưa điện thoại di động về “ốc đảo”. Năm 2008 mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, nhờ đó Minh Châu trở thành xã đảo duy nhất của Thủ đô và được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng. Năm 2014 cây cầu Vĩnh Thịnh khánh thành đã xóa thế “ốc đảo” của Minh Châu. Và đến năm 2017 Trường THCS Minh Châu đạt chuẩn quốc gia” - thầy Luận tự hào cho hay.
Quả thật, từ ngày cầu Vĩnh Thịnh nối huyện Ba Vì của Hà Nội với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) thế “ốc đảo” của Minh Châu đã dần được thay đổi. Người dân xã đảo đã có thể đi lại thuận tiện hơn dù phải đi vòng tỉnh bạn. Chuyến đò qua sông mỗi ngày vì thế mà cũng thưa vắng dần, nhất là những hôm thời tiết không thuận lợi. Nếu một ngày không xa xã đảo Minh Châu có thêm trường THPT, có lẽ khi ấy những chuyến đò ngang sẽ chỉ còn là hoài niệm, nhưng đó là những ký ức đẹp, khó phai về những con người vẫn ngày ngày “cõng chữ” qua sông, về những chuyến đó chở ước mơ của bao thế hệ người dân nơi đây.