Giải pháp ngăn chặn "cuộc gọi rác"
Xe++ - Ngày đăng : 06:46, 16/11/2019
Không ít khách hàng phản ánh với phóng viên Báo Hànộimới về việc liên tiếp nhận được “cuộc gọi rác”. Theo bà Thanh Hiền - chủ thuê bao 0985xxxx68, vào đầu giờ chiều 13-11 bà đã nhận được 2 "cuộc gọi rác" (là thuê bao của Viettel, VinaPhone). "Tôi luôn có công việc cần giao dịch qua điện thoại, chả lẽ thấy số lạ không nghe, mà nghe thì mất thời gian và rất bực mình" - bà Thanh Hiền chia sẻ.
Còn bà Kim Dung - chủ thuê bao 0915xxxx88 cho biết, ngày nào bà cũng nhận được 2-3 "cuộc gọi rác", chủ yếu đến từ thuê bao của Viettel quảng cáo.
Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 8-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tháng, các nhà mạng ghi nhận khoảng 10.000 số máy thực hiện "cuộc gọi rác". Tuy nhiên, 80% các cuộc gọi này xuất phát từ sim rác nên gốc của vấn đề vẫn là xử lý sim rác. Vì vậy, Bộ đã ban hành quy định theo hướng tập trung trách nhiệm vào nhà mạng.
Cụ thể, tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị của mỗi nhà mạng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về sim rác; nếu còn sim rác sẽ không cấp phép các dịch vụ mới. Ngoài ra, Bộ đã làm việc với các nhà mạng và tìm ra biện pháp xử lý, thí điểm công cụ kỹ thuật ngăn chặn "cuộc gọi rác" trong năm 2019 giống như công cụ ngăn chặn "tin nhắn rác", trước khi áp dụng đại trà năm 2020.
Vậy, các nhà mạng đã, đang làm gì để bảo vệ khách hàng? Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường (VinaPhone) Phạm Ngọc Tú nhấn mạnh, tại cuộc họp ngày 11-11, sau khi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra biện pháp chặn "cuộc gọi rác", VinaPhone cam kết thực hiện nghiêm quy định của cơ quan quản lý.
Cùng với đó, VinaPhone đang áp dụng quy trình hỗ trợ khách hàng phản ánh khi nhận được "cuộc gọi rác", cuộc gọi lừa theo các bước: Tiếp nhận, xác minh hiện tượng, nhắc nhở các công ty quảng cáo, nhà đất… khi có cuộc gọi quảng cáo làm phiền khách hàng.
"Hiện cơ quan quản lý đang xây dựng dự thảo nghị định phòng chống "tin nhắn rác", "thư điện tử rác", "cuộc gọi rác" và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi, do vậy, về phía doanh nghiệp - Tập đoàn VNPT và VinaPhone mong muốn Bộ sớm ban hành và có các quy định, trong đó định nghĩa chi tiết cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng", ông Phạm Ngọc Tú kiến nghị.
Cùng quan điểm này, đại diện MobiFone kiến nghị, dự thảo nghị định sửa đổi cần có định nghĩa tường minh và lượng hóa các khái niệm về "cuộc gọi rác", để nhà mạng có cơ sở thực hiện chặn "tin nhắn rác" và "cuộc gọi rác"...
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định phòng chống "tin nhắn rác", "thư điện tử rác", "cuộc gọi rác" và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn..., từ đó có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác; xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu nhà mạng đồng bộ triển khai các hệ thống kỹ thuật ngăn chặn "cuộc gọi rác" dựa trên hành vi. Trong đó, các hệ thống kỹ thuật thông minh được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (học máy) để có thể đáp ứng được việc ngăn chặn, giảm tối đa "cuộc gọi rác".
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lịch, trong các buổi họp với doanh nghiệp về giải pháp chặn "cuộc gọi rác", nhà mạng đều thống nhất cao các nội dung do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Cụ thể, nhà mạng cam kết đồng nhất việc xây dựng tiêu chí chặn "cuộc gọi rác" và mong muốn luật hóa tiêu chí để có cơ sở triển khai thống nhất, đồng bộ.
Bộ đang hoàn thiện các quy định liên quan tới "cuộc gọi rác", xác định tiêu chí, cách thức chặn và yêu cầu đối với các hệ thống kỹ thuật của nhà mạng phải chặn được "cuộc gọi rác" khi đã xác định rõ tiêu chí.