Không có đường để đi, không có người để chở, lấy gì phát triển xe buýt?
Giao thông - Ngày đăng : 10:32, 16/11/2019
Xe buýt “phú quý giật lùi”
Theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, hiếm nơi nào trên thế giới coi xe buýt đô thị là “hung thần” bởi đây là phương tiện công cộng quan trọng và cần thiết ở mọi đô thị. Nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, xe buýt đang bị nhiều người nhìn nhận với con mắt thiếu thiện cảm khi chứng kiến cảnh những chiếc xe cồng kềnh len lỏi trên những con phố chật hẹp, giữa hàng trăm chiếc xe máy, ô tô khác…
Trên thực tế, xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh đã có một thời “hoàng kim”. Tháng 1-2002, 141 xe buýt của 9 đơn vị vận tải bắt đầu hoạt động trên 8 tuyến xe mẫu, đánh dấu thời gian thực sự phát triển của vận tải hành khách công cộng tại trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Chỉ sau 2 tuần hoạt động, xe buýt đã thu hút được gần 369.000 lượt khách, tăng tới 59% so với trước khi có xe buýt mẫu.
Đến tháng 5-2002, tổng số tuyến xe buýt mẫu tăng lên đến 17 tuyến (bao gồm 5 tuyến mới). Với giá vé đồng hạng 1.000đ/người, xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh thực sự trở thành phương tiện đi lại thuận tiện, lúc nào cũng đông chật người đi.
Trong năm 2002, có tới hơn 1.300 xe buýt được thay mới và 500 xe buýt nhỏ 12 chỗ chạy tuyến gom được đưa vào sử dụng. Đến năm 2005, xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh thật sự quá tải. Ngành Giao thông thành phố đã phải sử dụng cả xe buýt 2 tầng để tăng năng lực vận chuyển.
Từ 2009, thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng thực tế không như mong đợi.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm đưa ra những con số thống kê đáng lưu tâm: Giai đoạn 2014-2018, hành khách đi xe buýt giảm 6,6% mỗi năm, dù thành phố chi khoảng 1.000 tỷ đồng/năm để trợ giá xe buýt. Riêng trong 9 tháng năm 2019, khối lượng vận tải buýt ước đạt 184 triệu lượt hành khách, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt hơn 50% kế hoạch năm.
Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Quyết Thắng cho biết: "Tuyến buýt 56 của chúng tôi chủ yếu phục vụ sinh viên, nay cũng đang lỗ trầm trọng vì ít người đi. Đơn vị đang xem xét, đề nghị được dừng hoạt động tuyến này”.
Nỗ lực tìm hướng phát triển
“Lâu nay em không đi xe buýt”, Nguyễn Bảo Trung, sinh viên năm 2 Đại học Hồng Bàng chia sẻ, “ngoài giờ học, em còn đi làm thêm mấy nơi. Đường đông như hiện tại, đi xe máy nhanh hơn cả”.
Còn ông Phạm Văn Dương, 75 tuổi, ngụ tại phường Tân Kiểng, quận 7 cho biết: “Xe buýt thành phố giờ có nhiều xe mới, thái độ phục vụ tốt, nhưng thời gian di chuyển lâu và hay bị kẹt xe. Những người hưu trí không vội vàng công việc như tôi thấy vẫn sử dụng được”.
Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt với mong muốn thu hút được nhiều người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng này. Số liệu từ Sở GTVT thành phố cho thấy, đến nay, hơn 1.200 xe đã được thay mới trên tổng số 2.300 xe; 162 bến bãi, nhà chờ được nâng cấp tiện dụng, hiện đại.
Ngành Giao thông thành phố cũng ứng dụng công nghệ mới nhất, như ứng dụng thông minh BusMap để người dân dễ dàng theo dõi, lựa chọn tuyến xe di chuyển; sử dụng mã QR trả tiền vé qua thiết bị di động, không dùng tiền mặt; tăng diện đối tượng được miễn phí xe buýt; giữ xe máy miễn phí cho khách đi xe buýt ở một số bến trung tâm và đang nghiên cứu lập các tuyến đường riêng cho xe buýt hoạt động...
Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Trần Chí Trung cho rằng, với một siêu đô thị, tốc độ phát triển nhanh chóng như thành phố Hồ Chí Minh; tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 8,73%, thấp hơn nhiều so với quy hoạch là 22,3%, nên cần phải có những biện pháp từng bước hạn chế xe cá nhân, tăng cường hạ tầng để xe buýt và giao thông công cộng có đất phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lương Hoài Nam nói: “Tôi ủng hộ việc có lộ trình cụ thể cho giảm phương tiện giao thông cá nhân, dù bị nhiều người phản đối. Trong việc này, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể. Theo đó, xác định từng tuyến đường hạn chế xe máy, cùng lúc với việc tăng năng lực phục vụ của phương tiện công cộng trên các tuyến đó, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Việc thí điểm với các giải pháp đồng bộ từng khu vực trước khi nhân rộng của Hà Nội là bài học kinh nghiệm tốt để thành phố Hồ Chí Minh tham khảo".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhìn nhận: "Đây là thời điểm xe buýt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực nếu không có những giải pháp chấn chỉnh, tạo điều kiện mạnh mẽ hơn để xe buýt phát triển".
Trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện; ưu tiên đất dành cho phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện giải pháp kiểm soát xe cá nhân lưu thông; xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn; duy trì và tiến tới tăng sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt.