Nơi an cư của trẻ lang thang

Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 17/11/2019

(HNM) - Đi vào hoạt động từ năm 1984 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) là nơi an cư của hàng nghìn lượt trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, các cháu được học văn hóa, học nghề, được hỗ trợ phục hồi chức năng để từng bước hòa nhập cộng đồng.

Đánh thức những ước mơ

Nhiều lần đến Trung tâm Bảo trợ xã hội IV, chúng tôi ấn tượng đặc biệt với N. Đó là một cậu bé rắn rỏi, có đôi mắt sáng, tự tin và luôn tươi cười. N. kể, cháu không nhớ rõ đã theo người bác họ rời quê lên Hà Nội bán hàng rong từ năm nào, chỉ biết rằng lúc đó cháu còn rất nhỏ. Hằng ngày, bác của cháu đi đánh giày, còn cháu vừa đi bán bông tăm, vừa xin tiền mọi người trên đường phố. Trong một lần uống rượu say, bác họ đã đuổi cháu ra khỏi căn phòng trọ ở quận Cầu Giấy. Không biết đi đâu, về đâu, cháu lên cầu vượt dành cho người đi bộ nằm ngủ. Thương tình, một người lạ cho cháu tiền để ăn uống, đi lại và cháu đã dùng số tiền đó đi xe buýt đến phố Huế (quận Hai Bà Trưng). Tại đây, N. đã gặp các lực lượng chức năng và được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội IV. Trong hơn 5 năm sống tại trung tâm, N. luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để hòa nhập cộng đồng.

Hướng dẫn trẻ tập đánh vần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV. Ảnh: Hà Hiền

Trường hợp khác chúng tôi gặp là cháu Lù Thanh L., vào Trung tâm Bảo trợ xã hội IV từ năm 2014 đến nay. Trò chuyện với chúng tôi, L. chia sẻ: “Hằng ngày, chúng cháu được các mẹ nuôi ân cần chăm sóc như người thân. Tình yêu thương của các mẹ là động lực để chúng cháu cố gắng. Cá nhân cháu sẽ chăm chỉ học hành để có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch”. Là người chăm sóc, tiếp nhận N. và L. từ những ngày đầu tiên, chị Phùng Phương Liên, Trưởng phòng Giáo dục - Chăm sóc trẻ em (Trung tâm Bảo trợ xã hội IV) cho biết, lúc mới vào, các cháu khoảng 8 tuổi, không biết đọc, viết, không có giấy khai sinh. Để các cháu được đến trường, trung tâm đi làm giấy khai sinh và xin cho các cháu đi học.

Ngoài những trường hợp nêu trên, nhiều thế hệ trẻ lang thang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV biết nuôi dưỡng những ước mơ và không ngừng nỗ lực để biến ước mơ trở thành hiện thực. Cháu Trần Thị L., hiện là sinh viên năm thứ nhất, ngành Biên đạo múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho hay, cháu là con thứ 3 trong gia đình có 5 thành viên được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV. Do bị rối nhiễu tâm trí, mẹ cháu dắt 4 người con đi lang thang ở Hà Nội. Sau đó, các cháu được về sống tại ngôi nhà chung dành cho người lang thang. Đáp lại sự quan tâm của các cán bộ ở đây, các cháu đã vượt lên hoàn cảnh. Hiện nay, hai anh chị của cháu là Trần Văn Tr., Trần Thị Th., đã đi làm; em út là Trần Văn M. đang học lớp 10 tại Trường THPT Quảng Oai (huyện Ba Vì). Còn cháu L. theo học ngành nghệ thuật với mong muốn có thể mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Nhiều năm qua, trẻ lang thang nói riêng, người lang thang, cơ nhỡ nói chung được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV có cuộc sống vật chất, tinh thần tương đối đầy đủ; luôn được tạo điều kiện tốt nhất để học văn hóa, học nghề, hòa nhập xã hội. Đáng chú ý, năm 2019, thành phố Hà Nội đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở, nhà ăn, nhà sinh hoạt chung… nhằm nuôi dưỡng tốt hơn các đối tượng người lang thang.

Tuy nhiên, điều khiến đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội IV băn khoăn là, đại đa số trẻ lang thang đưa về trung tâm từ các tỉnh, thành phố khác đến gặp khó khăn khi trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội, số đông còn lại chỉ được nuôi dưỡng tối đa 3 tháng. Hết thời gian này, các cơ quan chức năng đưa trẻ trở lại cộng đồng. Điều đó lý giải vì sao, dù đã rất nỗ lực, trẻ lang thang vẫn xuất hiện đâu đó trên địa bàn Hà Nội.  

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, người dân và chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lang thang. Quan trọng hơn, gia đình, dòng họ của những đối tượng yếu thế cần quan tâm nhiều hơn đến người thân, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt nhất; chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, có giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế tại gia đình, cộng đồng.

Với vai trò là mẹ nuôi của trẻ lang thang, chị Lê Thị Thu Hiền, cán bộ Phòng Giáo dục - Chăm sóc trẻ em (Trung tâm Bảo trợ xã hội IV) rất lo lắng cho tương lai của các con. Tiếp chúng tôi, chị Hiền luôn hướng mắt quan sát những đứa con kém may mắn và nói: “Cháu đang ngồi trong phòng là Thào A Ch., đến từ tỉnh Sơn La; còn cháu đang đứng tựa cửa là Mai N., được cho là đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các cháu chuẩn bị bước vào độ tuổi trưởng thành, nhưng không được thông minh, nhanh nhẹn. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực liên hệ với các tổ chức, cá nhân để tìm việc làm cho các cháu, song chưa có nơi nào nhận. Tôi luôn hy vọng trong cộng đồng xuất hiện nhiều hơn những đơn vị, cá nhân sẵn sàng tiếp nhận lao động khuyết tật vào làm việc”.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phát triển toàn diện, mong rằng những bất cập nêu trên sớm được các cơ quan chức năng và cộng đồng quan tâm tháo gỡ, để không còn trẻ em nào phải sống cảnh lang thang, nay đây mai đó.

Minh Ngọc