Hơn nửa tỷ đồng đã được trao cho các trí thức trẻ trong đêm trao giải “Tri thức trẻ vì giáo dục” 2019
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 10:47, 18/11/2019
Xuất sắc 5 ý tưởng năm 2019
Các công trình, sáng kiến được lựa chọn trao giải dựa trên tính mới và tính khả thi bởi hội đồng giám khảo có uy tín trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý giáo dục và khoa học.
Dựa trên các tiêu chí đó, cuộc thi năm nay lần đầu tiên đã “chạm trần”, tìm ra được tối đa 5 tác giả, nhóm tác giả có công trình, sáng kiến xuất sắc nhất, đó là: Công trình “Sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường” của các tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức ở Đà Nẵng; công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô-đun đánh lỗi thiết bị đào tạo điều khiển từ xa” của các tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trần Hoài Nam ở Vĩnh Phúc; công trình “ShubClassroom” của các tác giả Nguyễn Đăng An, Huỳnh Quốc Tuấn, Lê Văn Tư, Nguyễn Hoàng Kha ở TP Hồ Chí Minh; công trình “Từ điển Việt - M'nông, M'nông - Việt trên điện thoại Android” của tác giả Văn Thành Đạt, Nguyễn Văn Nam ở Đắk Nông; công trình “Nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập” của tác giả Nguyễn Sỹ Nam ở Hà Nội.
5 công trình trên được trao Kỷ niệm chương "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền mặt 100 triệu đồng. Ngoài 5 công trình đạt giải xuất sắc, 8 công trình, sáng kiến còn lại lọt vào chung khảo cũng được nhận giải "Cống hiến" gồm Bằng khen của Trung ương Đoàn, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng 10 triệu đồng, cùng bộ quà tặng của nhãn hàng sản phẩm cao cấp Bizner thuộc Tập đoàn Thiên Long.
Khởi sắc của nền giáo dục và đào tạo
Cuộc thi năm nay, nhiều sản phẩm là công cụ hỗ trợ học tập, giảng dạy được đầu tư nghiên cứu bài bản, có sản xuất vật mẫu, có đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp; nhiều sản phẩm dành cho giáo dục đã ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường, in 3D, big data… Bên cạnh các trí thức trẻ đã vận dụng và phát huy sức mạnh của nền tảng công nghệ vào trong việc đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả, có rất nhiều trí thức trẻ vẫn luôn quan tâm và hướng về phương diện đổi mới giáo dục cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện chất lượng giáo dục cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.
Là đơn vị đồng hành với cuộc thi trong 4 năm qua, ông Bùi Văn Huống, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long chia sẻ niềm vui: “Với kết quả thu được trong chương trình năm nay cho thấy, xã hội ngày càng có nhiều trí thức trẻ sẵn sàng cống hiến, dấn thân vào sự nghiệp phát triển của nền giáo dục nước nhà”.
Trải qua từng năm, số lượng hồ sơ tham gia Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” ngày càng tăng. Các công trình đoạt giải thưởng đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, bước đầu thu hút sự quan tâm của người học, giáo viên và các nhà đầu tư. Đó là công trình “Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0” được một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất tại TP Hồ Chí Minh; công trình “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống” được Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup đầu tư 300 triệu đồng để phát triển…
“Nếu các nhà đầu tư nghe thấy sản phẩm hay, họ tiếp xúc, sẽ sẵn sàng đầu tư, sản xuất hàng loạt được. Thiếu vắng đầu tư, trí thức trẻ không biết làm thế nào để tiếp tục. Trong những năm tới, Ban tổ chức nên mời doanh nghiệp với tư cách nhà đầu tư, ngồi với hội đồng để đánh giá mức độ khả thi của sản phẩm để đầu tư”, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho hay.