Vẹn nguyên “Đạo làm thầy”
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:01, 18/11/2019
Dân tộc ta đã sản sinh nhiều nhà giáo nổi tiếng, họ là những “người lái đò” thầm lặng. Cái tên rất đỗi quen thuộc là thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) - người có nhiều đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà. Ông dạy học trò của mình rằng: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau…”. Đặc biệt, Chu Văn An luôn đề cao vai trò của người thầy: “Làm thầy phải nghiêm”. Sự nghiêm nghị, thanh cao của ông đã thực sự là tấm gương tỏa sáng cho học trò noi theo.
Trong dòng chảy lịch sử của nền giáo dục, những người thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn hay Nguyễn Đình Chiểu… với “Đạo làm thầy”, họ không chỉ dạy chữ, mà còn dạy cho học trò đạo lý sống, đạo làm người, thực sự là những tấm gương “tôn sư trọng đạo”.
Nghề giáo đáng trân trọng là thế, nhưng theo sự biến đổi của xã hội, đâu đó vẫn có những điều đáng buồn xảy ra. Nổi lên gần đây là những vụ việc vi phạm đạo đức, lối sống của một số giáo viên; hay tệ hơn là có những người thầy vì một lợi ích nào đó mà sửa bài thi, sửa điểm cho học sinh… Cho dù đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng họ đã phần nào làm ảnh hưởng đến thanh danh của một nghề cao quý, bào mòn niềm tin trong nhiều lớp học trò và phụ huynh...
Dẫu sao, những người có hành vi sai trái đã bị xã hội lên án và pháp luật trừng phạt, thanh lọc ra khỏi sự nghiệp trồng người... để rồi trên hết, vẫn vẹn nguyên giá trị của tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Cống hiến của đội ngũ nhà giáo luôn là vô cùng lớn lao, là điều không thể phủ nhận trong toàn xã hội.
Tấm gương cô giáo Lê Thị Hòa - “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019”, một nhà giáo đang công tác ở Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), khiến nhiều người cảm phục. Suốt 12 năm qua, cô Hòa mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật. Với cô giáo Hòa, có lẽ, “Đạo làm thầy” chỉ bình dị là tình thương và lòng nhân ái.
Cũng như cô Hòa, rất nhiều giáo viên trên mọi miền Tổ quốc, từ những đô thị lớn đến vùng biên giới hải đảo xa xôi, vẫn đang lặng thầm cống hiến, mang từng “con chữ” đến cho học sinh thân yêu. Trong đó, có cả những người phải vượt qua nỗi lo “cơm áo gạo tiền” hoặc rời xa gia đình… để thực hiện trọn vẹn hai chữ: “Người thầy”.
Trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành sự quan tâm rất lớn tới sự nghiệp giáo dục. Và vị thế, vị trí người thầy được xem là trung tâm của quốc sách này. Trong những ngày tháng 11 này, khi khắp nơi đầy ắp những hoạt động ý nghĩa tri ân ngày lễ trọng của người làm thầy - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, càng là cơ hội để những người đứng trên bục giảng ngẫm về đạo làm thầy, để mỗi chúng ta cùng suy nghĩ về nghề giáo, để thấu hiểu hơn vai trò, trách nhiệm lớn lao của những “kỹ sư tâm hồn” trong sự nghiệp “trồng người”.
Ở Thủ đô, nơi ngành Giáo dục có quy mô lớn nhất và nhiều năm qua luôn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, năm học 2019-2020, toàn ngành tiếp tục nỗ lực triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là năm bản lề để hoàn thành điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới...
Vì thế, trong năm học này, ngành Giáo dục Thủ đô tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm. Đặc biệt là trách nhiệm nêu gương với yêu cầu mỗi giáo viên phải không ngừng hoàn thiện mình để không chỉ có chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, mà còn có phẩm chất đạo đức tốt.
Ngày nay, nghề giáo đã có ít nhiều thay đổi. Nhiệm vụ của người thầy là đánh thức tiềm năng trong mỗi học trò, khơi dậy và phát triển nội lực, mặt tốt nhất của người học. Đây thực sự là việc không dễ, bởi thực tế nhiều kiến thức, quan niệm, phương pháp giảng dạy, tình huống sư phạm trước đây là đúng thì nay có thể không còn thích hợp… Do đó, người thầy phải không ngừng vươn lên để tiếp tục khẳng định cái tâm, cái tầm của một nhà giáo dục có trí tuệ, đạo đức, cập nhật tri thức, phương pháp sư phạm hiện đại mới hoàn thành sứ mệnh vẻ vang “trồng người”.
Xét cho cùng, dù là thời đại 1.0, 2.0, 3.0 hay 4.0 như hiện nay thì “Đạo làm thầy” vẫn luôn là “dạy cho ra dạy”, "thầy ra thầy"!