Đẩy nhanh việc dùng tài khoản định danh điện tử

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:14, 15/10/2022

(HNM) - Hà Nội xác định phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên nguồn lực triển khai. Hiện các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và đăng ký sử dụng tài khoản định danh để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử...

Người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Ảnh: Phạm Kiên

Nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể

Tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể cho công dân như có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử bảo đảm tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả... Bên cạnh đó, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, kể cả với những giao dịch thiết yếu mà vẫn bảo đảm được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, vì vậy giúp các giao dịch được thuận tiện.

Về những lợi ích của tài khoản định danh điện tử, chị Phạm Ngọc Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, sau khi điền thông tin vào tờ khai điện tử đề nghị cấp đổi hộ chiếu, chị đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), xuất trình căn cước công dân gắn chíp cho cán bộ thực hiện tra cứu kết quả hồ sơ. Chỉ vài phút chụp ảnh, chị đã nhận được giấy hẹn ngày lấy hộ chiếu. Theo chị Hà, thủ tục hành chính này hiện đơn giản hơn trước rất nhiều. Lần làm hộ chiếu trước, chị Hà phải mất cả buổi, lần này chỉ trong đầu giờ sáng, rất tiện lợi với cán bộ công chức làm hành chính như chị.

Cũng cảm nhận được tiện ích, em Nguyễn Phương Uyên (sinh viên Trường Đại học Ngoại thương) đang thuê trọ tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đến Công an phường Yên Hòa làm thủ tục đăng ký tạm trú, được các chiến sĩ công an hướng dẫn trực tiếp ngay trên máy tính. Sau khi nhập đầy đủ thông tin, em đã đăng ký tạm trú thành công. Em Nguyễn Phương Uyên cho biết, các chiến sĩ công an còn hướng dẫn em tải ứng dụng định danh điện tử VNeID về điện thoại để lần sau khai báo tạm trú, tạm vắng trên đó, không phải ra trụ sở công an.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thành công hoặc chưa thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để giải quyết thủ tục hành chính vì khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế. Ông Phạm Hữu Quang (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cho biết, ông chưa biết kê khai trực tuyến nên cần việc gì vẫn đến UBND phường giải quyết như trước đây.

Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân làm quen với các bước dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo sức mạnh đồng thuận

Để đạt được các mục tiêu theo Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay thành phố Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công với tổng số tiếp nhận và giải quyết hơn 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy cho biết, địa bàn phường Trúc Bạch có hơn 7.000 người nên thường xuyên phát sinh rất nhiều nhu cầu về sử dụng dịch vụ công. Cán bộ phường đã có sáng kiến thành lập “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, trực tiếp mang máy tính tới nhà, hướng dẫn chi tiết để người dân làm quen với các bước dịch vụ trực tuyến. Mô hình này đã được nhân rộng tới 8 tổ dân phố của phường, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hành chính công.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quy trình tiếp nhận hồ sơ tại các bộ phận "một cửa", quận đã giao văn phòng UBND quận nghiên cứu quy trình, hướng dẫn bằng văn bản thủ tục chấp nhận giấy xác nhận tình trạng cư trú, thông tin cá nhân đã tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp thay cho xuất trình hộ khẩu, giấy tạm trú. 100% cán bộ, công chức viên chức của UBND quận và 14 phường đã đăng ký tài khoản định danh điện tử thực hiện việc kích hoạt định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên thí điểm Đề án 06 nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Đó là một số cơ chế, chính sách pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương còn hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ… Bên cạnh đó, một bộ phận người dân Thủ đô chưa quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tâm lý không muốn thay đổi, ngại tìm hiểu dịch vụ mới nên kỹ năng sử dụng, thao tác trên thiết bị điện tử còn hạn chế. Vì vậy, Công an thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Nhóm phóng viên