Bổ sung một ngày nghỉ trong năm: Ngày 1-9 hoặc 3-9
Đời sống - Ngày đăng : 11:23, 19/11/2019
Về bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm, trong thảo luận tại tổ và hội trường, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhiều đại biểu đề xuất sẽ chọn trong khoảng thời gian từ 1-5 đến 2-9. Một số ý kiến chọn ngày 28-6 với ý nghĩa tôn vinh Ngày Gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến chọn ngày cận kề với 2-9 lại mang nhiều ý nghĩa hơn vì sẽ kéo dài thêm cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của đất nước, giúp nhiều gia đình, người lao động có 2 ngày nghỉ ngơi, vui chơi cũng như có thêm thời gian chuẩn bị cho học sinh trước khai giảng năm học mới...
“Quốc hội đưa ra 2 lựa chọn là ngày 1-9 hoặc 3-9 và giao Chính phủ chọn một trong hai ngày này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.
Về đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về giảm giờ làm việc, từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khi năng suất lao động tăng lên, người lao động có nhu cầu giảm giờ làm thì sẽ đánh giá tác động của việc giảm thời gian xuống, không phải chỉ 44 giờ/tuần mà có thể chỉ còn 40 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích chủ lao động và người sử dụng lao động thương lượng để giảm giờ làm việc từ 44 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần.
“Do đây là quy định mở nên các tổ chức công đoàn mạnh hoàn toàn có điều kiện để thương lượng chủ sử dụng lao động giảm thêm từ 4 giờ đến 8 giờ một tuần. Người lao động cũng có mong muốn và quyền của họ, nếu cần thiết thì họ sẽ nghỉ không lương”, ông Lợi khẳng định.
Một nội dung quan trọng khác là quy định về quyền nghỉ hưu sớm không còn giữ trong dự thảo Bộ luật. Khoản 2 dự thảo được tiếp thu, sửa đổi theo hướng người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành nghề khác do Chính phủ quy định thì được giảm tối đa 5 năm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Ông Lợi thông tin thêm: “Một số trường hợp dù không lao động trong lĩnh vực, ngành nghề nặng nhọc, độc hại nhưng suy giảm khả năng lao động vẫn có khả năng cho nghỉ hưu sớm, ví dụ như công nhân ngành da giày, dệt may…”.
Ngoài ra, liên quan đến lao động nữ mang thai, làm việc ở vùng sâu vùng xa, dự thảo Bộ luật quy định cấm việc làm thêm giờ. Dự thảo Bộ luật cũng thiết kế theo hướng ưu tiên cho phụ nữ khi hết hợp đồng lao động nhưng mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì phải kéo dài hợp đồng hoặc ưu tiên ký kết hợp đồng mới.