Gỡ vướng cho chợ truyền thống
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 19/11/2019
Cụ thể, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP (ngày 14-1-2003) và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP (ngày 23-11-2009) về phát triển và quản lý chợ quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo chợ. Trong khi đó, nhiều chợ do Nhà nước đầu tư trước đây đến nay đã xuống cấp, lại ở vị trí không hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư... nên gặp nhiều khó khăn, thậm chí mất an toàn và không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế, việc chủ động cân đối ngân sách địa phương để phát triển hạ tầng thương mại là cần thiết. Việc sử dụng vốn đầu tư hiện nay thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ tại địa phương.
Đồng thời, căn cứ vào quy định, cơ chế, chính sách chung của Trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để cụ thể hóa thành chính sách riêng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, tham mưu với UBND tỉnh trong việc phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ tại địa bàn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Mặt khác, tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới chợ truyền thống phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tham mưu, đánh giá kỹ các khâu trước khi thay đổi, xây dựng phương án phù hợp của các cấp quản lý về thương mại và chính quyền sở tại, cần có sự tham vấn của người dân một cách công khai, dân chủ..., thì quá trình chuyển đổi sẽ tạo được sự đồng thuận cao.