Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Chính trị - Ngày đăng : 14:41, 19/11/2019
Cùng tham gia Đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành.
Đạt được kết quả ban đầu dù còn khiêm tốn
Báo cáo đoàn kiểm tra, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị các di sản đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Trong đó, có một số sự kiện thường niên, gắn với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, như Hội sách Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa...
Trung tâm cũng chủ động phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh để kết nối du lịch trong khu trung tâm chính trị Ba Đình; phối hợp với các công ty du lịch để xây dựng Đề án phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long, đưa nơi đây thành một điểm đến trong hành trình khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội... Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trong các trường học trên địa bàn. Riêng năm học 2018-2019, đã có hơn 19 nghìn học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản.
Từ những kết quả trên, Trung tâm đã tăng 30% nguồn thu và lượng du khách. Năm 2016, gần 400 nghìn lượt khách đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt và ước đến năm 2020 sẽ đạt 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước cả năm 2019 đạt hơn 12 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng nêu một số khó khăn, hạn chế, như tốc độ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu đạt chỉ tiêu, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, nhất là tại Khu di tích Cổ Loa; việc triển khai một số đề án, dự án trọng tâm của Trung tâm còn chậm; hạ tầng, cơ sở vật chất, cảnh quan chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; chưa có nhiều di chỉ, hiện vật khảo cổ... nên thiếu hấp dẫn du lịch.
Những nguyên nhân được chỉ ra là giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long phần lớn là di chỉ, hiện vật khảo cổ, lại không có nhiều công trình hiện hữu nên chưa hấp dẫn du khách; sản phẩm văn hóa phi vật thể đang trong giai đoạn nghiên cứu để phục dựng nên chưa phong phú. Sản phẩm của Khu di tích Cổ Loa chủ yếu là yếu tố tâm linh, chưa có nhiều hoạt động; việc xâm hại, lấn chiếm thành, hào tại đây còn phổ biến.
Phải trở thành điểm đến xứng tầm Di sản văn hóa thế giới
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những cố gắng của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trong việc bảo tồn, tôn tạo hai giá trị di sản lớn nhất của Thăng Long xưa và Hà Nội hiện nay là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Đặc biệt, Hoàng thành Thăng Long còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Bởi những giá trị quan trọng này, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm cần nhận thức rõ để thấy trách nhiệm, sự cao cả của công việc mà mình đang theo đuổi, từ đó xây dựng nơi đây trở thành sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Trung tâm có kế hoạch cụ thể hằng năm để bảo đảm tiến độ, chất lượng làm việc theo hướng “rõ người, rõ trách nhiệm”. Bên cạnh đó, Trung tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; tận dụng tối đa thành quả của công nghệ, chất xám từ các nhà khoa học để có những tài liệu quảng bá hấp dẫn. Đồng chí giao Sở Du lịch Hà Nội phối hợp chặt chẽ hơn với Trung tâm để đẩy mạnh công tác này. Dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm sau sẽ là cơ hội tốt để Trung tâm tăng cường tuyên truyền, quảng bá.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý, Trung tâm chú trọng thu hút lượng khách nội địa, trong đó cần kết nối với những điểm du lịch ngay trên địa bàn, kết nối với doanh nghiệp, Sở Du lịch để có những sản phẩm tương xứng với tầm vóc; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, nhằm hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích.
Về việc làm phong phú hơn các hoạt động, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị để tổ chức sự kiện, tạo nên những sự kiện văn hóa thường niên, nhưng phải xây dựng quy chế để đáp ứng yêu cầu của Luật Di sản, gắn với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, Trung tâm phải rà soát lại đội ngũ nhân lực để nâng cao chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc.
“Trung tâm phải năng động, sáng tạo, bám sát các nhà khoa học, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố để triển khai thực hiện nhiệm vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch tốt để nơi đây thu hút nhiều du khách hơn so với hiện nay. Các sản phẩm du lịch phải đạt chất lượng cao, xứng đáng với mảnh đất nghìn năm văn hiến, Thủ đô Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.