Quỳnh Nhai - “vịnh Hạ Long” của núi rừng Tây Bắc
Du lịch - Ngày đăng : 17:00, 20/11/2019
“Biển hồ” hoang sơ, kỳ vĩ
Nếu như diện tích tự nhiên của huyện Quỳnh Nhai là trên 105.600ha thì riêng tổng diện tích vùng hồ Thủy điện Sơn La thuộc địa bàn huyện đã chiếm hơn 10.000ha. Nơi đây là một quần thể các hòn đảo, hang động và rừng nguyên sinh ẩn sâu trong các ngọn núi... Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng diện tích mặt nước lớn, hồ Thủy điện Sơn La đã được Tỉnh ủy Sơn La thông qua tên gọi “Biển hồ Sơn La” nhằm định danh thương hiệu một cách tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hồ thủy điện lớn nhất cả nước. Theo ông Bùi Khắc Bạo, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La), tên gọi này cũng sẽ thu hút du khách tìm hiểu điểm đến, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cho Quỳnh Nhai nói riêng, Sơn La nói chung.
Điểm đầu tiên trong hành trình tham quan "Biển hồ Sơn La" một ngày là di tích Linh Sơn Thủy Từ - đền Nàng Han trên đồi Pú Nghịu (xã Mường Giàng). Linh Sơn Thủy Từ là đền thờ các vị thần núi, thần sông, các vị then cai quản đất trời, vạn vật... Còn đền thờ Nàng Han là nơi thờ vị nữ tướng anh hùng dân tộc Thái - người có công dẹp giặc phương Bắc. Cả hai ngôi đền đều nổi tiếng linh thiêng, nằm ở vị trí có thể bao quát cả một vùng sông nước với phong cảnh hữu tình, thơ mộng.
Rời Linh Sơn Thủy Từ - đền Nàng Hang, băng qua cầu Pá Uôn - cây cầu có cột trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà, du khách xuống bến thuyền và bắt đầu hành trình tham quan "Biển hồ Sơn La". Con tàu có sức chứa 50 người đưa du khách đi sâu khám phá vùng hồ - nơi có hàng nghìn ngọn núi, hòn đảo lớn nhỏ trồi trên mặt nước như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Những ngọn núi nối tiếp nhau, ẩn sau làn sương mỏng phủ trên mặt hồ khiến khung cảnh như một bức tranh thủy mặc.
Sau khoảng một giờ đồng hồ du khách sẽ ghé thăm đảo Trái tim. Nhìn từ trên cao, hòn đảo này có hình dáng như một trái tim xanh nổi bật giữa biển hồ. Tại đây, du khách có thể bơi lội trong dòng nước mát lạnh hay leo núi, thăm cầu khóa trái tim, chụp ảnh check-in giữa những đồi hoa ngũ sắc... Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm những món đặc sản như pa pỉnh tộp (cá nướng), gỏi cá, gà nướng mắc khén, canh bon... với hương vị đặc trưng cùng những bí quyết chế biến độc đáo của người Thái.
Trên hành trình tham quan, du khách còn ghé thăm vịnh Uy Phong (xã Pá Ma Pha Khinh), một vịnh nhỏ yên tĩnh, thơ mộng được bao bọc bởi trùng điệp núi non. Tại đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hay trải nghiệm các trò chơi dưới nước. Một điểm đến không thể thiếu là cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ. Năm 2010, khi Thủy điện Sơn La ngăn đập đã xóa sạch dấu tích của một trung tâm dân cư sầm uất. Hơn 8.500 hộ dân của 9/11 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã di dời để nhường đất cho việc xây dựng công trình Thủy điện Sơn La. Hiện nay cột mốc này vẫn là điểm đến nhiều ý nghĩa với người dân Sơn La cũng như du khách.
Kết thúc hành trình, du khách sẽ thăm bản Bon (xã Mường Chiên), nơi có dòng suối khoáng nóng rất thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tại bản Bon hiện có khoảng 30 hộ dân tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách ưa thích loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe...
Giải mã “ẩn số”
Đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch của hồ Thủy điện Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Fly Travel Việt Nam Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ: “Dù đã đi nhiều nơi có địa hình tương tự nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của "Biển hồ Sơn La". Khí hậu trong lành, vẻ đẹp hoang sơ sẽ là những "điểm cộng" cho du lịch nơi đây, góp phần thu hút du khách đến từ Hà Nội. Nếu biết cách truyền thông, quảng bá, đây chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai”.
Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai hiện là đơn vị tiên phong đầu tư phát triển dự án Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai theo 5 giai đoạn, trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (năm 2018) là 50 tỷ đồng, giai đoạn 2 (năm 2019) là 100 tỷ đồng. Ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai cho biết: Từ tháng 6-2018 đến nay, trung bình mỗi tháng khu du lịch đón khoảng 1.300 khách. Sở dĩ lượng khách chưa đông là bởi nơi đây vẫn đang trong quá trình đầu tư, số lượng tàu đưa đón khách còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa cao...
Để du lịch Quỳnh Nhai được nhiều người biết đến hơn, theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong Travel, huyện Quỳnh Nhai cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trên các trang mạng xã hội, website du lịch của tỉnh và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong nước để đưa khách đến. Bên cạnh đó, cần lập bản đồ quy hoạch điểm tham quan tổng thể để du khách nắm được thông tin điểm đến; bổ sung dịch vụ vui chơi giải trí; gắn các loại hình du lịch thể thao như chạy bộ, câu cá, đua thuyền với phát triển thương hiệu điểm đến như cách mà Đà Nẵng đã làm với lễ hội pháo hoa hằng năm. Đấy là cách tạo điểm nhấn đặc trưng nhằm khuếch trương thương hiệu điểm đến.
Ông Hoàng Tiến Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai khẳng định quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Thời gian qua, Quỳnh Nhai đã có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư. Để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa song song với phát triển du lịch, Quỳnh Nhai định hướng phát triển dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mang lại nguồn sinh kế cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.