Có hay không một lối viết nữ giới?
Văn hóa - Ngày đăng : 16:08, 20/11/2019
PGS.TS Trần Huyền Sâm (khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế):
Nữ giới có một lối viết đặc thù
Khát vọng thông hiểu và hòa hợp về giới là thông điệp mang tầm vĩ mô của nhân loại. Bản khảo tả về giới chính là bản mặt của lịch sử nhân loại. Lịch sử về giới vì vậy không chỉ là câu chuyện của đàn ông và đàn bà mà còn là sự phản chiếu về những thay đổi các nấc thang giá trị của loài người.
Giới/giới tính là phạm trù không ngừng được các nhà khoa học, nhất là các nhà xã hội học, nhà nữ quyền trên thế giới quan tâm. Hàm nghĩa của khái niệm giới luôn được mở rộng biên độ: Từ dị tính đến đồng tính, song tính, vô tính, chuyển giới... Dù đề cập đến bất kỳ vấn đề gì, thông điệp chung vẫn là khát vọng hướng đến một xã hội bình đẳng giới.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về giới/giới tính còn hạn hẹp, nhất là xét trong mối quan hệ với văn học. Giới/giới tính chưa thật sự được đặt ra trong hệ thống nghiên cứu, giảng dạy văn học như là một bộ môn chính thức. Những khoảng trống trong nghiên cứu về giới/giới tính ở Việt Nam là một sự thách thức đối với chúng ta về một khát vọng bình đẳng giới.
Có hay không một lối viết nữ giới? Hơn 30 công trình nghiên cứu và gần 100 hội thảo trên thế giới (từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, thuộc các nước dùng tiếng Pháp) liên quan đến lối viết nữ giới đã trả lời một cách thuyết phục: Nữ giới có một lối viết đặc thù so với nam giới - cho dù tác giả có hoặc không ý thức, tuyên ngôn hoặc không tuyên ngôn về vấn đề này.
TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội):
Văn chương viết về nữ giới, mang sắc thái nữ tính hay nữ quyền đang trỗi dậy
Nữ tính, nữ quyền trong văn chương đang nỗ lực tạo lập những hệ giá trị mới nhằm hướng đến một cộng đồng nhân văn hơn. Văn chương viết về nữ giới, mang sắc thái nữ tính hay nữ quyền đang trỗi dậy như một hệ giá trị của đời sống đương đại. Sở dĩ, sự trở lại này gây được chú ý, tạo nên những làn sóng trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật... chính ở quá khứ bị kỳ thị và xem nhẹ của nó. Di sản tinh thần của quá khứ đã gạt bỏ người phụ nữ ra khỏi những địa vị làm nên tri thức, giá trị, chân lý. Tuy nhiên, nhìn vào sự vận động của văn học đương đại, bên cạnh những sắc thái cho thấy sự nhạy cảm về giới, vẫn tiếp tục song hành những câu chuyện khác, khiến cho diễn ngôn văn chương về người nữ không dễ nhìn nhận và đánh giá một cách thỏa đáng. Trong số đó, định kiến giới là một biểu hiện rõ rệt.
Sự đông đảo nam giới trong hoạt động phê bình là một thực trạng tiềm ẩn định kiến. Ngay cả những nhà phê bình nữ cũng không tránh được định kiến này, tức là, họ vẫn nghĩ bằng cái đầu của đàn ông, bằng tri thức nam quyền. Phê bình thơ nữ sau đổi mới vẫn duy trì khuôn mẫu giới, định kiến giới, thiếu nhạy cảm trong phân tích, đánh giá. Điều này còn do bản thân thơ nữ sau đổi mới chưa thoát khỏi khuôn mẫu giới.
Nữ giới và thơ nữ vẫn vận động trong trường giá trị, mỹ học của nam giới. Để giải quyết vấn đề này cần nâng cao ý thức bình đẳng giới trong lực lượng sáng tác, phê bình và toàn xã hội, sự cất tiếng của các nhà phê bình nữ, tăng cường nhạy cảm giới trong hoạt động phê bình, sử dụng lăng kính giới như một chiến lược phê bình... Chỉ có như thế, các diễn ngôn phê bình thơ nữ mới giải trừ được định kiến, khuôn mẫu giới, hướng tới cái nhìn gần hơn và “bản sắc nữ tính”, để những lời nói ra, không phải là “những lời nói dối to lớn” (Betty Fiedan).
TS Trần Thiện Khanh (Viện Văn học):
Nghiên cứu, phê bình văn học không còn là tòa lâu đài của nam giới
Sau năm 1986, nghiên cứu về giới và phụ nữ ở nước ta có bước chuyển quan trọng. Bước đầu, độc giả Việt Nam đã biết đến một bộ môn mới, gọi là Phụ nữ học. Những thành tựu của Phụ nữ học với tư cách một bộ môn liên ngành có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, chủ thể, trong đó có sáng tác và nghiên cứu văn học.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, nghiên cứu, phê bình văn học không còn là tòa lâu đài của nam giới nữa. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, dịch giả nữ giành được vị trí chủ biên, chủ trì các công trình, đề tài nghiên cứu lớn, trọng điểm, có tác dụng thay đổi các diễn ngôn, các tri thức, các thẩm quyền. Phần nhiều họ vẫn hoạt động trong khung khổ do nam giới vạch ra, sắp đặt, điều khiển và hợp thức hóa. Những nghiên cứu của họ vẫn chưa được đặt vào vị trí danh dự, chưa thực sự dành riêng cho giới nữ, chưa hẳn vì sự phát triển phụ nữ học, khoa học văn học.
Phê bình văn học hiện tại thiên trọng văn học nam giới hơn văn học nữ giới. Trong các bảng thống kê, điểm danh đội ngũ, nhiều nhà phê bình dành sự quan tâm nhiều hơn đến các tác giả nam, còn những gương mặt nữ xuất hiện chỉ như một sự điểm xuyết vào bức tranh văn học đó. Nhà phê bình chú ý xem xét sự tồn tại lâu dài hay yểu mệnh của nhà văn nữ hơn những đóng góp của họ đối với đời sống thể loại. Tâm thức khác biệt giới tính đưa đến nhiều định kiến cố hữu trong sáng tác và phê bình văn học nữ. Chính tâm thức này duy trì, củng cố sự bất bình đẳng trong việc đánh giá thẩm định giá trị các sáng tác văn học nữ thêm vững chắc.
Văn học nữ đương đại Việt Nam kiến tạo nữ tính chủ yếu vẫn theo khuôn mẫu đã được thực hành trong các diễn ngôn truyền thống. Giới nữ cơ bản vẫn bị giam trong các huyền thoại về nữ tính phổ biến trong xã hội, và phụ nữ trong văn học đương đại Việt Nam, trên đại thể, vẫn là những con người cũ.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa:
Không thể tách bạch một cách siêu hình lối viết nữ và lối viết nam
Có hay không lối viết nữ? Theo tôi là có, tuy rằng không thể tách bạch một cách siêu hình lối viết nữ và lối viết nam.
Đi sâu khảo sát hai tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và Chúa đất của Đỗ Bích Thúy chẳng hạn, sẽ trừu xuất được những điểm tương đồng gặp gỡ hết sức thú vị: Lối viết nữ, cái nhìn/quan niệm nghệ thuật về người nữ, cách biểu đạt giới... Không hẹn mà gặp, hai tác phẩm của hai nhà văn nữ thế hệ 7x nổi bật trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI này đều là những khúc bi ca về thân kiếp đàn bà, những khúc hoan ca về tinh thần nổi loạn, những khúc tụng ca về nhân vật nữ tận thiện tận mỹ... Và trái tim bao dung của cả hai tác giả đều không chỉ dành niềm yêu thương vô tận cho những thân phận đàn bà, mà còn đủ sức ôm chứa cả những bất hạnh đàn ông, dẫu đó có khi là nhân vật phản diện như chủ ý xây dựng của tác phẩm. Bằng nhãn quan phân tâm học và nữ quyền luận, hai tác phẩm đều là những tiếng nói văn chương ám gợi về giới, về vấn đề nữ quyền...
“Đau đớn thay phận đàn bà”, “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, “Phận sao phận bạc như vôi”… - Những khúc than thân, phản kháng kiểu này tưởng đã là chuyện của ngày xửa ngày xưa, thuở ca dao và văn học trung đại, nhưng có ai ngờ nó vẫn cứ đang vang ngân khắc khoải hôi hổi tính thời sự trong văn học đầu thế kỷ XXI. Đọc tác phẩm dạng này, người đọc thêm cơ hội lắng nghe và thấu hiểu giới nữ, thêm cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của văn chương mang - gương - mặt - nữ - giới.
TS Nguyễn Văn Thuấn (khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế):
Giới là sản phẩm kiến tạo xã hội, văn hóa
Sự khác biệt giới không chỉ do các yếu tố sinh học quy định, mà còn do cấu trúc văn hóa xã hội xác lập. Không có sự khác biệt bất di bất dịch giữa giới nam và giới nữ cũng như các giới khác (đồng tính, lưỡng giới). Các nỗ lực bình đẳng giới cần phải được giải quyết sâu xa và căn cơ từ các chuyển biến văn hóa, trong đó có việc biến đổi hệ hình diễn ngôn xã hội hiện hành.
Văn học là một thực tiễn diễn ngôn văn hóa có thẩm quyền. Biểu đạt của giới và về giới trong văn học là một phương diện quan trọng của diễn ngôn văn hóa. Sự kiến tạo giới và giới tính ở mỗi thời kỳ văn học, ở các bối cảnh xã hội và các nền văn hóa là khác nhau. Ngày nay chúng ta có thể tự tin về triển vọng nghiên cứu liên ngành giữa văn học với các ngành khoa học khác về giới.