Bắc Âu - khu vực tiên phong về bình đẳng giới trong văn học
Văn hóa - Ngày đăng : 16:19, 20/11/2019
Có thể kể ra một loạt tác giả ở các nước Bắc Âu đã góp phần tạo ra bước đột phá cho mảng văn học về giới tính toàn cầu như Sofi Oksanen, Sara Stridsberg, Monica Fagerholm, Naja Marie Aidt, Einar Már Gudmundsson... Bên cạnh giá trị văn học, nội dung tác phẩm của họ là cả một công trình nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử của một quốc gia, hoặc là cuộc điều tra tỉ mỉ về những thay đổi trong quan điểm về giới tính ở thế giới hiện tại.
Ngoài những “cây đa, cây đề” trong làng văn học Bắc Âu nói trên, các nhà văn trẻ cũng là lực lượng đóng góp đáng kể vào việc đưa ra những cái nhìn mới về giới.
Nữ văn sĩ người Đan Mạch Greenlandic Niviaq Korneliussen (sinh năm 1990) từng gây tiếng vang với tác phẩm HOMO sapienne ra đời năm 2014, nói về sự giằng co giữa những quan điểm về giới tính và sắc tộc trong cuộc sống của những cô gái trẻ. Ngay sau khi xuất bản, HOMO sapienne đã nhanh chóng bán được hàng ngàn cuốn và Greenlandic Niviaq Korneliussen trở thành một hiện tượng của văn học Đan Mạch.
Tuyển tập thơ có tên Ming của thi sĩ người Đan Mạch Bjørn Rasmussen (sinh năm 1983), xuất bản năm 2016 cũng đã trở thành chủ đề được giới văn chương bàn thảo sôi nổi khi nhấn mạnh vào nỗi đau, sự hoang mang của một người mang giới tính thứ ba.
Sở dĩ Bắc Âu trở thành khu vực được nhắc tới nhiều khi nói về vấn đề giới trong văn học bởi vì chủ đề này vốn được coi là “ngòi nổ” cho một cuộc đấu tranh đòi lại sự công bằng cho các nữ văn sĩ từ những năm 1970.
Nữ nhà văn người Na Uy Linn Ullmann cho rằng, đến tận bây giờ, nhà văn nữ vẫn có một chỗ đứng thấp hơn so với nhà văn nam trong xã hội. Kể lại câu chuyện để minh chứng cho nhận định của mình, Linn Ullmann cho biết, một lần, bà được mời đến lễ hội ở Paris (Pháp) cùng nhiều nhà văn khác. Sau đó, bà nhận ra rằng bà và các nhà văn nữ được nhóm lại với nhau để tham gia một cuộc phỏng vấn có tên gọi “Góc Eve”. Cuộc phỏng vấn sẽ không có gì đáng bàn nếu không tạo cho những người được hỏi cảm giác như họ không xứng được tham gia cùng các nhà văn nam.
Mới đây, Linn Ullmann đã cho ra đời cuốn sách A Woman Looking at Men Looking at Women (tạm dịch là Cái nhìn của phụ nữ đối với cách đàn ông nhìn phụ nữ), trong đó có đề cập tới thực trạng phụ nữ vẫn không được đối xử bình đẳng với đàn ông trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, dù hiện tại đã là thế kỷ XXI, khi phụ nữ không còn phải lấy bút danh đàn ông để đứng tên tác phẩm của mình. Theo bà, đàn ông thường không xem phụ nữ là đối tượng ngang hàng cho dù họ có xuất sắc hay thành đạt đến đâu.
Điều này thậm chí còn đúng hơn trong các lĩnh vực sáng tạo vốn được coi là “yếu đuối” và nữ tính như văn học. Chính vì vậy, nhiều nhà văn nữ đã không thể có được danh tiếng như mong muốn.
Thậm chí, trong một lần trả lời phỏng vấn về cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, bà đã khá sốc khi một phóng viên đã nói rằng: “Tôi thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời và chắc là chồng bà (tức nhà văn Paul Auster) đã viết nó”.
Rõ ràng nhiều người trong chúng ta đều có xu hướng ngầm định kiến về giới tính. Một biên tập viên nam ở New York đã từng thừa nhận rằng, anh cảm thấy xấu hổ vì không thể nhớ cuốn sách cuối cùng của một nhà văn nữ mà anh ta đã đọc là gì.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực văn học ngày nay đã có những bước tiến khá dài so với thế kỷ trước. Và nhờ sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ vào lực lượng sáng tác, người ta đã nhận ra rằng, cách nhìn của nam giới và phụ nữ đối với các vấn đề lịch sử, xã hội khác nhau đáng kể.
Theo nhà văn Hanne Højgaard Viemose (Đan Mạch), ở thế kỷ XVIII, giới là một yếu tố quyết định đến sự thành công của một tác phẩm và sự tồn tại của nó. Nói một cách cụ thể thì đó là thời kỳ thống trị của nam giới trong lĩnh vực văn học. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu văn học ở thế kỷ XX đã phải đối mặt với một nhiệm vụ cực kỳ vất vả, đó là tìm kiếm và “khai quật” lại vô số những tác phẩm văn chương kiệt xuất của các nữ văn sĩ từng bị “chôn vùi” trong định kiến của quá khứ.
Thành quả của cuộc đấu tranh những năm 1970 không chỉ dừng lại ở chỗ mở đường cho việc công nhận giá trị tác phẩm của các nhà văn nữ mà còn tạo điều kiện cho các tác giả thoải mái hơn trong lựa chọn chủ đề sáng tạo. Thậm chí, những tác phẩm với nội dung táo bạo đã xuất hiện và được đón nhận. Như bộ sưu tập thơ đầu tay của thi sĩ người Đan Mạch Charlotte Strandgaard, (sinh năm 1943) mô tả về cuộc đời của người phụ nữ từ lúc trưởng thành, kết hôn, mang thai, sinh nở…
Còn nhà văn Thụy Điển Kerstin Ekman (sinh năm 1933), vốn trước đây chỉ viết về tiểu thuyết tội phạm đã cho ra đời cuốn Pukehornet (tạm dịch là Chiếc sừng của quỷ) nói về chân dung một nữ biên tập viên thất bại với cá tính khá kỳ lạ. Điều này đã minh chứng cho việc văn học có thể là con đường để diễn giải giới tính một cách đa dạng. Còn công việc của giới văn học nữ khu vực Bắc Âu hiện nay là hoàn thành những mục tiêu mà cuộc đấu tranh khởi xướng từ những năm 70 của thế kỷ trước hướng tới.