Để lao động nữ vượt qua những rào cản
Đời sống - Ngày đăng : 08:42, 20/11/2019
Tại diễn đàn đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng của phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan vừa tổ chức tháng 10-2019, bà Vũ Thị Thu Hằng - chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới thông tin, một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhóm nghề mà phụ nữ tham gia nhiều thường là lao động giản đơn trong ngành điện tử, may mặc, da giày... Trong khi các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều máy móc tự động vào quy trình sản xuất, thì chính lực lượng lao động nữ là nhóm dễ bị mất việc làm nhất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, trong bối cảnh những tiến bộ công nghệ đang thay đổi cách làm việc của con người, lao động nữ là một trong các đối tượng chịu tác động không nhỏ. Phụ nữ còn gặp cản trở trong tuyển dụng do định kiến giới, tiền lương thường thấp hơn nam giới, thăng tiến chậm hơn. “Đây là những rào cản mà chúng tôi trăn trở trong quá trình sửa Bộ luật Lao động làm sao giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa nữ và nam”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Như chị Nguyễn Thị Hóa, đang làm ở một cơ sở da giày tư nhân tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ, chị đã đi xin việc tại nhiều công ty, người tuyển dụng sau khi tìm hiểu về tình trạng hôn nhân và kế hoạch sinh con của chị đều từ chối. Vì vậy, chị đành chấp nhận làm việc ở môi trường lương thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi và bà Phạm Thị Thu Hương - Tổng Trưởng phòng cấp cao Phòng Quan hệ lao động (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam) có chung nhận định, dù còn một số rào cản đối với phụ nữ, nhưng không nên quá lo lắng, bởi nếu có sự chuẩn bị tốt về chính sách ngay từ bây giờ cộng với hưởng ứng của doanh nghiệp thì không có việc gì mà phụ nữ không làm được.
Theo bà Phạm Thị Thu Hương, minh chứng rõ nhất có thể thấy ở các đơn vị thuộc Samsung Electronics Việt Nam với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm hơn 70%. Trong khi phần lớn lao động nữ thường làm việc ở khu vực lao động giản đơn thì những nữ nhân viên của Samsung ngay sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành, kiến thức chuyên sâu về các công đoạn sản xuất, đồng thời liên tục được cập nhật kỹ năng, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Nhờ vậy, hiện nay, tỷ lệ lao động nữ làm quản lý ở Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên chiếm 36,2%, trong đó nhiều người có xuất phát điểm chỉ là lao động phổ thông.
Ở góc nhìn khác, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh cho rằng, để phụ nữ có thêm cơ hội vươn lên, cần cả sự quan tâm, chia sẻ của chính những nam giới trong gia đình và cùng đơn vị...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc làm, vị thế của lao động nữ là một trong những trọng tâm hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sự quan tâm đó thể hiện ở việc tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc cải thiện, nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc, hướng tới bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững. Từ đó có cơ hội lắng nghe và có những hành động can thiệp kịp thời nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho vai trò và tiếng nói của lao động nữ, xây dựng môi trường lao động an toàn... giúp họ sẵn sàng tâm thế, vượt qua mọi thách thức, rào cản.